“1 2 3” của Thanh Thảo và ba bậc tư duy thơ trong quá trình hiện đại hóa thơ ca
Posted by thinhanquangngai1 trên 11/07/2008
“1 2 3” của Thanh Thảo và ba bậc tư duy thơ trong quá trình hiện đại hóa thơ ca
MAI BÁ ẤN
Không dám nói rằng: chính Thanh Thảo có ý đồ nghệ thuật khi lấy tên tập thơ mình bằng ba bước đếm 1 2 3 như thế. Nhưng nhìn xuyên suốt cuộc đời thơ anh, ta xác quyết, anh là một nhà thơ “không chịu lùi” trên con đường cách tân thơ ca. Trước đây, ngay từ những bài thơ đầu đời xuất hiện trong thời chiến (1973), anh đã từng tuyên ngôn bằng một giọng thơ quyết liệt, trần trụi và táo bạo. Đến những năm hòa bình, anh đã từng xếp khối thơ mình với Khối vuông ru-bích (1985) và từng đếm Từ một đến trăm (1988 ) với quan niệm rất rõ ràng: “một người không khôn ngoan lầm lũi trên đường/ con đường người không khôn ngoan gập ghềnh lầy thụt/ sao anh không đi con đường đã dọn sạch/ hành hạ thân mình như thế để làm chi?” (4,tr.7-8). Bây giờ, bẳng đi đúng tròn 10 năm, kể từ khi tập thơ cuối cùng của anh được xuất bản, anh lại tiếp tục “hành hạ” mình bằng cách đếm bước cẩn trọng hơn (Không phải đếm Từ một đến trăm mà là 1 2 3 như tập bước). Điều này chứng tỏ, Thanh Thảo rất có ý thức cách tân thơ, đặc biệt là thơ trong cơ chế thị trường, trong thời hội nhập.
15 bài thơ song ngữ Anh – Việt gọn ghẽ đã làm nên quá trình hiện đại hóa thơ ca rõ nét qua ba bậc tư duy thơ Thanh Thảo ở ba chặng sáng tác khác nhau. Bậc 1 chính là bài thơ được in cuối cùng trong tập: Một người lính nói về thế hệ mình (1973). Bậc 2 được đánh mốc bằng bài thơ in ngay khoảng giữa tập thơ: Dao động sóng (1988). Bậc 3 là 13 bài thơ còn lại được anh sáng tác gần đây với một ý thức bứt phá rõ nét, đẩy thơ Việt tiệm cận cùng những trào lưu thơ hiện đại thế giới.
Có gì khác nhau giữa ba bậc tư duy thơ này trong cái nhìn thống nhất của phong cách thơ Thanh Thảo? Đó chính là tư duy thơ thông qua cấu trúc tác phẩm thơ cùng sự hiện diện của các yếu tố hậu hiện đại trong thơ. Rõ ràng, cái giọng thơ táo bạo, gai góc như là tuyên ngôn thơ chiến tranh của một thế hệ đã làm nên cái mới, cái lạ của Một người lính nói về thế hệ mình so với thơ ca cùng thời, nhưng tư duy thơ thì vẫn nằm nguyên trong cách diễn ý theo cảm xúc trình tự. Các câu thơ nối tiếp nhau theo vần (dù rất mờ) với rậm rạp dòng thơ in, chữ in, không chứa nhiều khoảng trắng bí ẩn của thơ đương đại. Toàn bài thơ, đọc lên, người đọc dễ dàng hiểu được nghĩa lý mà nhà thơ muốn nói từ “ngày chúng tôi đi” ở câu đầu cho đến câu cuối “thế hệ chúng tôi/ nhìn rất rõ/ mặt mình”. Với lối tư duy thơ này, người đọc rất khó lòng cấu trúc lại bài thơ theo lối cảm xúc, lối tiếp nhận riêng mình.
Đến Dao động sóng, dù tên bài thơ đã hoàn toàn nhòe nghĩa, nhưng bước thơ đi vẫn còn hiền lành, yếu tố vần nối các câu vẫn còn rõ nét. Tư duy thơ vẫn còn lắng đọng qua hai đoạn thơ cấu trúc không đều nhau. Có điều, so với Một người lính nói về thế hệ mình, bài thơ này, người đọc hoàn toàn có thể thay đổi cấu trúc giữa hai khổ thơ theo cách cảm của mình. Với tôi, một người cảm nhận, tôi hoàn toàn không thống nhất với cấu trúc bài thơ này của Thanh Thảo, vì theo tôi, hai câu thơ hay nhất của bài thơ này chính là “vòng xích thời gian nghiệt ngã/ làm sao quay ngược. Làm sao?”. Vì thế, tôi sẽ chuyển cấu trúc đoạn thơ thứ 2 thành đoạn 1, và ngược lại, đoạn 1 thành đoạn 2, để hai câu thơ trên làm hai câu kết bài. Lý thuyết tiếp nhận hiện đại hoàn toàn cho phép người đọc đồng sáng tạo cùng nhà thơ. Người đọc muốn cấu trúc thế nào tùy ý, miễn mình cảm nhận đầy đủ hơn “văn bản thơ” của tác giả. Nghĩa là, với Dao động sóng, tư duy thơ Thanh Thảo đã bước dần đến lối cấu trúc hiện đại. Mà chỉ có cấu trúc tác phẩm theo tư duy như thế thì mới tạo điều kiện cho người đọc tham gia đồng sáng tạo. Ta còn nhớ, đã có một thời, với quan niệm: thơ ca cách mạng không được thể hiện biểu trưng hai mặt, chỉ được hiểu duy nhất một nghĩa. Cho nên, Một người lính nói về thế hệ mình bằng sự “lệch chuẩn” thi pháp thời đại đã là một điều đáng ghi nhận, không thể đòi hỏi nhiều hơn, vì bản thân tác giả đã không dám “biểu trưng hai mặt” thì làm sao có khoảng trống nào để người đọc tham gia đồng sáng tạo!
Bậc tư duy thơ thứ 3 của Thanh Thảo tập trung ở 13 bài thơ còn lại, mà theo cảm nhận của riêng tôi, tư duy thơ đã nghiêng hẳn về lối sáng tác của chủ nghĩa hậu hiện đại. Chính lối tư duy thơ này đã khiến Thanh Thảo cấu trúc tác phẩm thơ hoàn toàn mở, nhằm “rủ rê” sự tham gia của người tiếp nhận theo quan niệm “cái chết của tác giả” của chủ nghĩa hậu hiện đại. Tham gia “trò chơi” trí tuệ này, ta lại bắt gặp lý thuyết “giải cấu trúc” theo quan niệm của Derrida: “Chúng ta liên tục tạo ra những kết cấu, nhưng bản chất của chúng là cái khả năng mà trò chơi bảo đảm cho người sử dụng nó: người ta có thể đưa những sự việc, ý nghĩ, liên tưởng vào sự bổ sung liên tục cho trò chơi để rồi kết cấu tạo ra ý nghĩa mới, làm hình thành hình thức tồn tại mới. Có vô số sự thay thế ẩn chứa trong cấu trúc lúc đó… đã là trò chơi thì tất yếu nó phải thuộc về người tiếp nhận, bởi vì không phải người nghĩ ra trò chơi mà là người chơi chơi nó” (theo 2,tr.8). Như vậy, Thanh Thảo chỉ là người “nghĩ ra trò chơi”, còn người đọc mới chính là “người chơi”. Hầu hết 13 bài thơ thuộc bậc tư duy thơ thứ 3 này đều được Thanh Thảo cấu trúc theo lối “nghĩ ra trò chơi” như thế. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin chọn một bài bất kỳ (tất nhiên, xin chọn bài ngắn để chép ra nhằm tiện theo dõi) để minh chứng điều đó. Bài Đám cháy. Để thao tác, tôi xin chia bài thơ ra làm 4 đoạn theo thứ tự Thanh Thảo “nghĩ ra”:
1-“tâm hồn em một đóa hoa nở chậm/ anh sung sướng đến nghẹn thở/ khi một mình trở về trong đêm/ một mình gặp ánh lửa”
2- “bao nhiêu năm/ những cánh hoa khép chặt/ trong nhàm chán/ lãng quên/ cay cực”
3- “xin biết ơn tu viện/ nơi đám cháy cô đặc thành ngọn nến/ nơi anh kiệt sức nguyện cầu/ thân xác tan dần trong đêm thâu”
4- “bao nhiêu năm/ đóa-hoa-tu-viện-tâm-hồn-em/ chợt bùng đám cháy”
Bây giờ, tôi xin được chọn “trục thơ chính” để người đọc làm điểm tựa xoay các đoạn, các câu thơ còn lại. “Trục thơ chính”, theo tôi nghĩ, đó chính là những “thần cú” của toàn bài, toát lên cái hồn vía của toàn bài thơ (tất nhiên tùy mỗi người tiếp nhận, và sự tiếp nhận ấy có thể trùng với tác giả hoặc có thể không). “Trục thơ chính” tôi chọn là đoạn thơ thứ 4, đoạn này xin giữ nguyên thứ tự câu thơ. Và tôi tiến hành cấu trúc lại theo hai cấp độ: cấp độ đoạn thơ và cấp độ câu thơ.
– Ở cấp độ đoạn thơ, xin mời các bạn đọc lại bài thơ theo các cấu trúc sau: * 1, 2, 4, 3; * 4, 1, 2, 3; * 1, 4, 2, 3; * 4, 2, 1, 3; * 4, 3, 2, 1… Nghĩa là, ta có thể đảo lộn hoàn toàn vị trí các đoạn thơ này, bài thơ vẫn không bị gượng ép về vần, về nghĩa, về câu…; nhưng có thể dẫn đến nhiều trường nghĩa khác nhau theo nhiều trạng huống khác nhau, tạo nên một cuộc chơi đầy thú vị (mà những bài thơ ở bậc tư duy 1 của Thanh Thảo: Một người lính nói về thế hệ mình, ta chưa thể làm được).
– Ở cấp độ câu thơ trong từng đoạn thơ, ta có thể chọn cách đọc ngược từ dòng cuối lên dòng đầu (trừ đoạn 4: “trục thơ chính”), mà bài thơ vẫn không mất đi vẻ tự nhiên, tính chỉnh thể của nó, lại không hề bị vần điệu trói buộc. Hãy đọc ngược các đoạn thơ từ câu cuối về câu đầu; hoặc câu cuối bài thơ lại bắt đầu từ câu cuối của đoạn 1, đoạn 2, đoạn 3… Mỗi cách đọc sẽ thiết lập một tác phẩm mới qua cảm nhận của người đọc (mà những bài thơ ở bậc tư duy 2 của Thanh Thảo: Dao động sóng, ta chưa thể làm được).
Tương tự như thế, với 12 bài thơ còn lại, tôi xin chọn “trục thơ chính” như sau để các bạn tự do cấu trúc các đoạn thơ còn lại theo ý riêng mình: “vội vã/ những câu thơ tìm ngọn lửa” (Vội vã), “suốt đời anh một ngọn lửa/ anh cố giữ dù ở dạng tro than/ nhưng thổi tắt nó/ anh không thể” (Ngày 12 tháng 3), “nhấp cần câu/ câu giấc mơ ngày cũ/ những giấc mơ/ tớp bóng dưới lục bình/ xanh buồn bã” (Không đề), “không phải con đi tìm cầu vồng hay cái chết/ con đi cho kim la bàn đời mình/ quay mãi về căn phòng cũ” (Chợt nhớ), “buồn lặng trong đêm bụi bặm trong ngày/ chiếc lá có gì muốn nói” (Chiếc lá), “ở đời mỗi khi có tiếng gọi giật/ ba lại tựa vào mắt con/ nâu như mặt đất” (Mi Mi), “bây giờ tôi biết/ những thế giới khác/ cũng thế thôi/ như con chim tập yêu chiếc lồng của mình/ nhưng không cần tập hót” (Khúc chậm 2000), “Không ai tái chế nước mắt nỗi đau, dù để làm nên những trang sách”(Và ông đã đánh thức tôi, Ginsberg…), “Những cơn lũ chính mình. Làm sao tôi đứng trên bờ sông đời mình. Không dám nhào xuống dù là để ướt người, không dám bơi không dám chìm?” (Nếu tôi biết…), “Không thấy đích. Không biết đâu về. Đêm giăng mắc” (Đích), “xin đừng/ khoan những mũi khoan làm đứt gãy/ cuộc viễn du” (Viễn du), “ta không thể nói những gì ta/ biết và cố nói những gì ta không biết” (Thường là vậy).
Trong văn học hậu hiện đại, viêc “trộn lẫn” các thể loại văn học nghệ thuật vào nhau là một tất yếu trong thời đại bùng nổ thông tin. Ở 1 2 3, ta dễ dàng bắt gặp lý thuyết “trộn lẫn thể loại” trong các bài Và ông đã đánh thức tôi, Ginsberg…, Nếu tôi biết…, Đích… Thử đọc đoạn này, ta có cảm giác nó vừa là thơ lại vừa như không hẳn là thơ: “Tôi cần nói điều gì cho ai đó. Nhưng chẳng có ai, hay có ai mà tôi không biết. Không biết nói gì. Mỗi người đếm bước chân mình theo một cách. Những tiếng đếm làm nên con đường. Tôi không biết đếm. Hoặc đếm nhầm. Tôi hết đường?” (5,tr.52-53). Ta còn bắt gặp kiểu cấu trúc “xáo trộn” văn bản theo thủ pháp “cắt dán” (collage) trong hội họa của cảm quan hậu hiện đại “theo nguyên tắc cắt mảnh rời rạc (fragmentaire)” (1,tr.8-9). Tôi dựa vào “chất liệu” là 7 câu thơ ở “văn bản thơ” Chiếc lá của Thanh Thảo để tự ý “cắt dán” thành một bài thơ theo ý riêng tôi như sau: “một ngày nào đó/ viết mấy chữ lờ mờ/ như thể anh cùng họ với cây/ một ngày nào đó/ cây xanh chìa cho anh chiếc lá/ buồn lặng trong đêm bụi bặm trong ngày/ chiếc lá có gì muốn nói?”. Vẫn 7 câu thơ “chất liệu” đó, nhưng tác phẩm, qua người đọc, được cấu trúc hoàn toàn khác với “văn bản thơ” của chính tác giả.
Ở bậc tư duy thơ này, ta còn thấy rất rõ việc từ bỏ cách phản ánh “đại tự sự” của chủ nghĩa hiện đại để đi vào lối phản ánh “tiểu tự sự” của chủ nghĩa hậu hiện đại mà ở lời giới thiệu tập thơ, Nguyễn Đỗ đã phân tích khá rõ. Lại bắt gặp cả lý thuyết “phân tích tinh thần” của Erich Fromm: “Khi tỉnh táo, chúng ta là những con người hoạt động, có lý tính” và “chúng ta gọi những lĩnh vực mà ban ngày chúng ta quan sát được, là hiện thực; và cảm thấy rất tự hào về chủ nghĩa hiện thực của chúng ta… Khi ngủ say, chúng ta lại “thức tỉnh” dưới hình thức khác: chúng ta nằm mơ. Chúng ta phát minh ra những câu chuyện chưa từng có. Có lúc, những câu chuyện ấy chưa xảy ra bao giờ trong hiện thực” (3,tr.10). Thanh Thảo viết:“và ông đã đánh thức tôi, Ginsberg, tôi ngủ mê như con chó thỉnh thoảng nói mớ, thỉnh thoảng vẫy đuôi, thỉnh thoảng tru lên những giấc mơ uất nghẹn” (5,tr.47). Con chó tru lên những giấc mơ uất nghẹn hay chính là con người? Giấc mơ ấy có từ hiện thực nào mà sức ám ảnh đến phải nói mớ trong mơ? Là mơ hay là thật? Hay chính thật lại là mơ như cái “thô bạo” của” gã cảnh sát”: “Ông đã đánh thức tôi thô bạo như gã cảnh sát đánh thức người ăn mày nằm mơ trên ghế đá công viên, tôi dụi mắt ngơ ngác tưởng mình đang mơ tiếp giấc mơ khác” (5,tr.49). Trong 13 bài thơ này, ta còn bắt gặp sự đan xen của lối thơ Tân hình thức (cái mà chủ nghĩa hậu hiện đại gọi là “hình thức “diễn ngôn mảnh đoạn” thường gặp trong thơ” (1,tr.24) đang rất phổ biến ở phương Tây trong bài Thường là vậy với kiểu xuống dòng bất chợt như một sự bỡn cợt của thơ ca: “anh nói tôi là người yếu đuối nhưng tôi/ mạnh khỏe theo kiểu anh làm/ đếch gì” (5,tr.59)…
Với 1 2 3, Thanh Thảo, lần nữa lại cẩn trọng đếm từng bước trên con đường sáng tạo, đẩy cỗ xe thơ đương đại Việt Nam hội nhập vào thi ca nhân loại của thời đại “thế giới phẳng”.
————————
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- 1. Lại Nguyên Ân, Đoàn Tử Huyến (2003), Văn học hậu hiện đại thế giới, những vấn đề lý thuyết, Nxb Hội Nhà văn và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây
- 2. Trương Đăng Dung (2004), “Văn bản học và sự bất ổn của nghĩa”, Tạp chí Nghiên cứu văn học (3), tr.4-22
- 3. Erich Fromm (2002), Ngôn ngữ bị lãng quên, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội
- 4. Thanh Thảo (1988), Từ một đến trăm. Nxb Đà Nẵng
- 5. Thanh Thảo (2007), 1 2 3, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội
khương thi nha said
hậu hiện đại có từ những năm 50, Và phát triển rực rỡ trước 1975. Lúc đó ta lo việc lớn. Sau 1975, ít thông tin nên chưa tiếp nhận lý thuyết post modernism đầy đủ, nhưng dẫu sao, TT vẫn là ngừơi có ý thức cách tân, góp phần làm mới thơ VN. Cảm ơn MBA.
Bùi Minh Vũ
Trần Q.Nam said
Lại nữa, sợ mải nhìn cây – đặc thù- thì không thấy rừng – phổ quát. Mình đã có thơ thuận nghịch độc thời luật, rồi Tình già -Thơ mới, rồi Xuân thu nhã tập, rồi Nhân văn giai phẩm (bắc), Sáng tạo (nam)… là cách tân hết đấy chứ. Chỗ nào là qui chiếu modernism/post-modernism ? Hay như ở cơ quan chữa nghĩa lắm của tôi, một ông quan cứ ghi công văn “foto n bản, chuyển…”. Tôi đề nghị ghi photocopy cho nó đúng chính tả và đủ nghĩa, song bị gạt đi, lại bị đố kỵ nữa. Đó có thể cũng là một hướng cách tân, và có khi tôi phải trách mình chưa đọc post-modernism.
mai bá ấn said
Đó là chuyện của Nam hiểu trên tổng thể thơ ca thế giới. Thơ ca VN có những đặc thù riêng. Tôi chỉ đặt quá trình này trong sáng tác của 1 tác giả cụ thể. Mà thiệt ra trong lớp nhà thơ thời chống Mỹ, Thanh Thảo là người có ý thức cách tân rõ nét. Ít ra, đó cũng là quá trình tự vượt lên của bản thân mỗi nhà thơ. Phải ghi nhận cái cụ thể mới tìm ra tổng thể. Vậy thôi
Trần Q.Nam said
Tôi chỉ sợ người được giới thiệu cũng không ngờ mình như thế. Chuyện của J. Derrida không mới gì, kể cả The specters of Marx, nhưng khi vào thinhanquangngai thì lại trở thành bữa tiệc thù tạc nhau phí mồi.Trong khi thực tiễn sáng tác post – moderinism thì đã muối tiêu rồi, và từng tác giả không thể là sự giới thiệu như là lát cắt phi lịch sử.
thinhanquangngai said
Được biết tác giả MBA viết bài này chỉ để giới thiệu tập thơ mới của Thanh Thảo thôi chứ không phải công trình nghiên cứu về Chủ nghĩa hậu hiện đại trong thơ Việt nam.
Rất cảm ơn Trần Q. Nam đã ghé chơi trang này. Bạn cứ thỏa mái ý kiến trong trang này, bất cứ chỗ nào. Kính chúc bạn vui vẻ!
Thân ái
BĐH-TNQN
Trần Q.Nam said
Cách phân tích post-modernism có lẽ và có thể nên bắt đầu từ cả Lê Đạt(1956), Trần Vàng Sao (trên Đối Diện trước 1975 và Đứng Dậy sau 1975)tiện thể tham khảo Trần Nhật Tân (1974) và cách Phạm Công Thiện đọc thơ Holderlin, Rilke.