KHAI BÚT (*)
Tú Cang
Năm Kỷ Sửu tuổi trời bốn tám
Trông tóc râu đà muốn điểm hoa râm (1)
Quăng gương đi, gẫm nghĩ lại cười thầm (2)
Nhỏ rồi lớn, lớn lại già, dầu trối kệ
Thân hạt lúa nổi chìm trên bãi bể (3)
Cánh chim phù cao thấp dưới lừng trời (4)
Nay mà sau, dầu cho đến năm mươi
Sáu mươi, bảy tám chín mươi (5)
Già một kiếp, cũng ngang tàng cho mãn kiếp (6)
“Nhập thế cuộc bất khả vô công nghiệp
Xuất mẫu hoài tiện thị hữu Quân Thân”
Lúc thiếu niên đà lở bước thanh vân
Nay lão cảnh phải cam bề bạch bố
Chốn nhà bạc, luân thường coi cũng đủ:
Có vợ, có con, có đày, có tớ (7)
Câu tề gia là chữ “tiểu kinh luân”
Vừa ngày xuân, rượu thịt một đôi tuần
Mình gục gặc với mình coi cũng thú
Say dưa ghế ngâm thơ cho vợ ngủ
Buồn chong đèn đánh kiệu với con chơi
Gia đình này cũng đủ thú vui
Lọ là phải Nam Bắc xanh vàng cho nhọc xác
Đường thế lộ xưa nay đổi khác (8)
Bởi không tài nên chẳng dám bôn chôn (9)
Co tay một giấc hoành môn
XUÂN KỶ SỬU 1889
(*) Bài ca trù nổi tiếng “Khai Bút” sáng tác đầu Xuân Kỷ Sửu (1889) đã đăng trong “Non nước xứ Quảng” được trích đăng trong tập biên khảo này (có sữa chữa đính chánh) chính thật là thi phẩm của Tú Cang không phải của Học Lạc như ông Thanh Lãng đã trích đăng vài đoạn trong Bảng lược đồ Văn học Việt Nam quyển hạ trang 149 – 150 (Trình bày phát hành 1967, Tài liệu giáo khoa dành cho sinh viên dự bị Việt Đại cương Đại học Văn Khoa Sài gòn niên khoá 1966 – 1967)
Nội dung đầy đủ của bài ca trù Khai bút này được nhiều người trong đại gia đình khoa bảng họ Phạm ở Chánh lộ đọc lại, và còn nhớ thuộc lòng. Bài trích đăng trong tập Thi ca và Giai thoại miền Ấn – Trà lần này do chính cháu đích tôn của Tú Cang là Phạm Viết Hường (Giánh) sao lại theo lời của thân phụ là Ông Phạm Viết Hoàng đọc lúc sinh thời ở trú quán An phú Sơn tịnh – Soạn gỉa đã kiểm chứng kỹ lưỡng và một lần nữa xin phép đính chính điểm sai lầm trong tài liệu văn học do Ông Thanh Lãng biên soạn. Hy vọng rằng từ nay bài “Khai bút” sẽ được ghi rõ ràng là của Tú Cang, nhà thơ trữ tình của Quảng Ngãi vào thời cận đại.
(1) dị bản: Xem tóc râu kìa đã điểm hoa râm
(3) dị bản: Thân hạt cát nỗi chìm trên mặt bể
(4) dị bản: Cánh chim hồng cao thấp dưới chân trời
(5) dị bản: Từ đây cho đến năm mươi, sáu mươi, bảy tám chín mươi
(6) dị bản: Một kiếp cũng ngang tàng cho mãn kiếp
(7) dị bản: Phận nhà bạc cương thường coi cũng đủ : có vợ, có con, có đày, có tớ
(8) dị bản: Nhìn thế sự nay đà đổi khác
(9) dị bản: Ngẫm không tài mà dám bôn chôn
-Ngẫm bất tài nên há dễ bôn chôn
——————————————————————-
Theo: Thi ca và Giai thoại miền Ấn-Trà, Phạm Trung Việt, 1973.
(Thân hữu Trần Trọng Cát Tường đã gởi bài thơ và những file scan liên quan đến bài thơ. TNQN chúng tôi xin có lời trân trọng và chân thành cảm ơn những đóng góp của anh trong việc cố gắng giữ gìn những án thơ văn của những bậc cao niên, tiền bối.)