Thi Nhân Quảng Ngãi

Ngó lên Thiên Ấn nhiều tranh/ Liều mình lén mẹ theo anh phen này

  • Welcome to Thi Nhân Quảng Ngãi!

  • Hân hạnh chào đón quý độc giả ghé thăm. Trang này không có tính chất "đại diện" về bất kỳ ý nghĩa nào cho bất cứ địa phương hay tổ chức nào, đây chỉ là nơi đưa một số bài thơ của một số tác giả lên mạng internet. Hầu hết tác giả trong trang này là người Quảng Ngãi nhưng hoàn toàn không phải hầu hết người Quảng Ngãi làm thơ có trong trang này. Chân thành cảm ơn quý độc giả, tác giả cũng như các bạn bè thân hữu đã gởi bài, giúp trang này ngày càng có nhiều bài vở tư liệu.

  • Giới thiệu sách

  • Phiêu Lãng Ca

    Lưu Lãng Khách

  • Về Chốn Thư Hiên

    Trần Trọng Cát Tường

  • thao thức

    hà quảng

  • bài ca con dế lửa

    nguyễn ngọc hưng

  • 99 Bài Lục Bát

    Nguyễn Tấn On

  • Gieo Hạt

    Huỳnh Vân Hà

  • Quá Giang Thuyền Ngược

    Lâm Anh

  • n bài thơ ngắn

    Đinh Tấn Phước

  • Ảnh ngẫu nhiên

  • Tổng lượt xem

    • 591 163 Lượt

Archive for Tháng Bảy, 2007

MỘNG CẦM CA- thơ Bích Khê

Posted by NHD trên 31/07/2007

MỘNG CẦM CA

Ðây bát ngát và thơm như sữa lúa;
Nhựa đương lên: sức mạnh của lòng thương;
Mùi tô hợp quyện trong tơ trăng lụa;
Ðây dạ lan hương, đây đỉnh trầm hương;
Ðây bát ngát và thơm như sữa lúa;
– Hồn dạ hương phơ phất ở trong sương.
Không gian tơ — không gian tơ gợn sóng;
Âm thanh gì sắp sửa… Ngọc Kiều ơi !
Hay hơi thở của hoa hồng mơ mộng ?
Hay buồn đêm rào rạt, — ứ muôn nơi ?
Không gian tơ — không gian tơ gợn sóng;
Ngọc Kiều ơi ! — Hồn đến bến xa khơi !…
Níu cho ta, cho ta muôn yến nguyệt,
Ngọc Kiều ơi ! — nầy khúc Lạc Mai Hoa.
Suối tóc mát, nhúng trong vùng mộng tuyết:
Ta đê mê, ta gảy điệu Tỳ Bà;
Níu cho ta, cho ta muôn yến nguyệt
Còn đây em, nầy khúc Mộng Cầm Ca.
Ðâu đôi mắt mùa thu xanh tợ ngọc ?
Vú non non ? Da dịu dịu, êm êm ?
Ðâu hang báu cho người ta phải khóc ?
– Trên môi son, ta liếc lưỡi gươm mềm !
Ðâu đôi mắt mùa thu xanh tợ ngọc ?
– Lưới lông mi rờn rợn ánh tơ đêm !
Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
Của gương hồ im lặng tợ bài thơ.
Chân nhịp nhàng, lòng nghe hương nằng nặng.
Ðây bài thơ không tiếng của đêm tơ.
Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
Của hồn thu đi lạc ở trong mơ…
Người cho ta một thanh gươm rất sắc ?
Ô vung lên… cắt mạch nguyệt vàng xanh !
Xẻ mạch trời, — mây xô sao, răng rắc !
Phăng mạch đêm, — hương vỡ, ứa ngầm tinh !
Người cho ta một thanh gươm rất sắc ?
– Ta điên rợ múa giữa áng bình minh.
…..

Nguồn: nghiathuc.com

Posted in 01. Thơ, Bích Khê | Leave a Comment »

Nhớ con sông quê hương- Tế Hanh

Posted by NHD trên 31/07/2007

Nhớ con sông quê hương

Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng
Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỉ niệm giữa dòng trôi?
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ

Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu
Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu
Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy
Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy
Bầy chim non bơi lội trên sông
Tôi dang tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ

Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả
Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông
Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng
Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn, gió biển
Vẫn trở về lưu luyến bên sông
*
* *
Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc
Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc
Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng “miền Nam”
Tôi nhớ không nguôi ánh nắng màu vàng
Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc
Tôi nhớ cả những người không quen biết…

Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây
Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy
Hình ảnh con sông quê mát rượi
Lai láng chảy lòng tôi như suối tưới
Quê hương ơi! Lòng tôi cũng như sông
Tình Bắc Nam chung chảy một dòng
Không ghềnh thác nào ngăn cản được
Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước
Tôi sẽ về sông nước của quê hương
Tôi sẽ về sông nước của tình thương…

(1956)

Posted in 01. Thơ, Tế Hanh | 75 Comments »

Chân thật Tế Hanh- một đường thơ bay qua thế kỷ

Posted by NHD trên 31/07/2007

Chân thật Tế Hanh- một đường thơ bay qua thế kỷ

Tế Hanh – nhà thơ lớn Việt Nam thế kỷ 20 – có thể nói như vậy trong ý nghĩa toàn vẹn nhất của nó. Ông có mặt ấn tượng trong phong trào thơ mới, ở hàng đầu nền thơ ca cách mạng và kháng chiến. Thơ ông là bài ca đấu tranh thống nhất rực lửa. Thơ ông thể hiện một cách phong phú và dào dạt những tình cảm của con người Việt Nam thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ông cũng là nhà thơ tình xuất sắc.
Trên con đường lớn của văn nghệ, mỗi nhà văn, nhà thơ đều có một phong cách và một lối đi riêng. Có lối đi nở đầy hoa trong hiện tại nhưng mau chóng mờ nhạt và bặt hẳn dấu tích trước nhịp bước thời gian. Có lối nhỏ luồn qua hẻm núi, rừng gai hôm nay, một ngày nào đó chợt mở òa đài lộ. Có tiếng nói, có con đường hôm qua được đồng cảm, nâng niu mà hôm nay và ngày mai cũng được nâng niu, đồng cảm – đó là đường thơ Tế Hanh.

Với mảnh hồn làng, ông bay qua nhiều thế kỷ.

Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh sinh ngày 20-6-1921 ở làng Ðông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Về làng Ðông Yên, Tế Hanh đã từng kể: “Cái làng miền nam ấy tên gọi Ðông Yên là một hòn đảo nằm giữa lòng sông Trà Bồng trước khi đổ xuôi về biển lớn. Tuổi nhỏ của tôi đã trôi qua những cái mùi mặn mặn của những mẻ cá và Đọc tiếp »

Posted in 04. Bài viết, Tế Hanh | Leave a Comment »

Tế Hanh

Posted by NHD trên 31/07/2007

 
TẾ HANH

Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh, sinh ngày 20 tháng 6 năm 1921, tại thôn Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
– Là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1957).

Thuở nhỏ học trường làng rồi trường huyện sau ra học tại trường Quốc học Huế.
Tham gia cách mạng từ tháng 8-1945, Tế Hanh đã trải qua các công tác văn hoá, giáo dục ở Huế, Đà Nẵng. ủy viên giáo dục trong UBND thành phố Đà Nẵng.
Năm 1947 trong Ban phụ trách Trường trung học bình dân Trung bộ.
Năm 1948, ông ở trong Ban phụ trách liên đoàn văn hoá kháng chiến Nam Trung bộ ủy viên thường vụ chi hội Văn nghệ liên khu 5.
Năm 1957 khi thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, ông là ủy viên thường vụ Hội khoá I, II, ủy viên thường vu Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1963), ông tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn nhiều khóa, giữ các chức vụ: Trưởng ban đối ngoại (1968).
Chủ tịch Hội đồng dịch thuật (1983), Chủ tịch Hội đồng thơ (1986).

Tác phẩm chọn lọc

– Hoa niên (1944);
– Tập thơ tìm lại (1945 );
– Hoa mùa thi (1948);
– Nhân dân một lòng (1953);
– Lòng miền Nam (1956 );
– Gửi miền Bắc (1958);
– Tiếng sóng (1960);
– Bài thơ tháng bảy (1961),
– Hai nửa yêu thương (1963);
– Khúc ca mới (1966);
– Đi suốt bài ca (1970),
– Câu chuyện quê hương (1973);
– Theo nhịp tháng ngày (1974) ,
– Giữa những ngày xuân (1977),
– Con đường và dòng sông (1980);
– Bài ca sự sống (1985),
– Tế Hanh tuyển tập (1987);
– Thơ Tế Hanh (1989 );
– Vuờn xưa (1992);
– Giữa anh và em (1992);
– Em chờ anh (1993 );
– Tuyển tập Tế Han h (tập II, 1997).

Ngoài ra ông còn xuất bản các tập tiểu luận, và nhiều tập thơ viết cho thiếu nhi. ông cũng đã xuất bản nhiều tập thơ dịch của các nhà thơ lớn trên thế giới.

Posted in 15. Tác giả, Tế Hanh | Leave a Comment »

Bích Khê

Posted by NHD trên 31/07/2007

 

Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh ngày 24 tháng 3 năm 1916 tại quê ngoại là làng Phước Lộc, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

* Ông xuất thân trong một gia đình nho học, có học trung học ở Huế, Hà Nội, nhưng rồi bỏ dở. Bích Khê sau dạy học tư ở Phan Thiết, Huế. Ông mất đêm 17 tháng 1 năm 1946 vì bệnh lao phổi.

* Tác phẩm tiêu biểu: tập thơ Tinh Huyết (1939, tác phẩm duy nhất được xuất bản trong sinh thời của tác giả); tác phẩm chưa in bao gồm các tập thơ Mấy Dòng Thơ Cũ (thơ viết 1931-1936), Tinh Hoa (thơ viết 1938-1944), Ðẹp (viết 1939).

* Dòng thơ Bích Khê bao gồm ba mạch chính: thơ tượng trưng, thơ huyền diệu, và thơ trụy lạc. Ông đến với thơ mới với nhiều sáng tạo và cách tân độc đáo; nhiều tìm tòi trong nghệ thuật tạo hình, cấu trúc, ngôn từ; và nhiều cảm xúc lạ, đẹp. Một số bài có ý thơ phóng túng và lời thơ táo bạo.

* Nhận xét của Chế Lan Viên: “Nếu Nguyễn Bính là một miền đồng bằng thân thuộc thì Bích Khê là một đỉnh núi lạ. Có những nhà thơ làm thơ. Có những nhà thơ vừa làm thơ vừa đẩy lịch sử thơ ca duy tân thêm một bước. Có những nhà thơ đem đến một mùa lương thực. Lại có những nhà thơ cầm một dúm hạt giống mới trên tay. Khê thuộc vào hạng thứ hai.”

Tài liệu tham khảo

– Tinh Huyết, Bích Khê, NXB Hội Nhà Văn tái bản, 1995.
– Tổng Tập Văn Học Việt Nam, tập 27, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1990.
– Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh & Hoài Chân.
– Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến, Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng.
– Thi Ca Việt Nam Hiện Đại, Trần Tuấn Kiệt.
– Đời Bích Khê, Quách Tấn.
– Tuyển Tập Thơ Tiền Chiến, Hoài Việt biên soạn.
– Thơ Mới – Những Bước Thăng Trầm, Lê Đình Kỵ.
– Tạp chí Tác Phẩm Văn Học số 8

Nguồn: vnthuquan.net

Posted in 15. Tác giả, Bích Khê | Leave a Comment »