Thi Nhân Quảng Ngãi

Ngó lên Thiên Ấn nhiều tranh/ Liều mình lén mẹ theo anh phen này

  • Welcome to Thi Nhân Quảng Ngãi!

  • Hân hạnh chào đón quý độc giả ghé thăm. Trang này không có tính chất "đại diện" về bất kỳ ý nghĩa nào cho bất cứ địa phương hay tổ chức nào, đây chỉ là nơi đưa một số bài thơ của một số tác giả lên mạng internet. Hầu hết tác giả trong trang này là người Quảng Ngãi nhưng hoàn toàn không phải hầu hết người Quảng Ngãi làm thơ có trong trang này. Chân thành cảm ơn quý độc giả, tác giả cũng như các bạn bè thân hữu đã gởi bài, giúp trang này ngày càng có nhiều bài vở tư liệu.

  • Giới thiệu sách

  • Phiêu Lãng Ca

    Lưu Lãng Khách

  • Về Chốn Thư Hiên

    Trần Trọng Cát Tường

  • thao thức

    hà quảng

  • bài ca con dế lửa

    nguyễn ngọc hưng

  • 99 Bài Lục Bát

    Nguyễn Tấn On

  • Gieo Hạt

    Huỳnh Vân Hà

  • Quá Giang Thuyền Ngược

    Lâm Anh

  • n bài thơ ngắn

    Đinh Tấn Phước

  • Ảnh ngẫu nhiên

  • Tổng lượt xem

    • 591 162 Lượt

Archive for Tháng Chín, 2017

CHÙM THƠ Của Lê Thanh Hùng

Posted by admintnqn trên 06/09/2017

Đợi

Rất có thể em còn xõa tóc
Bên hiên xưa, khắc khoải quên chiều
Nắng tháng giêng, gãy giòn khô khốc
Ngày trôi mùa, ngắt ngứ tin yêu
*
Hoa cỏ ngập đường xa dịu vợi
Anh nổi trôi xây xước quê người
Bỗng chợt nhớ năm chờ, tháng đợi
Bến hoàng hôn, ráng đỏ thắm tươi
*
Của ngày giêng, quạnh đồng, lộng gió
Bên sông xanh ngăn ngắt, tiếng cười
Anh sẽ đến, điều gì bày tỏ ?
Dẫu muộn màng của tuổi năm mươi
*
Em vẫn trẻ trung, làn áo mỏng
Ngực phập phồng, trong nỗi giêng hai
Cánh cổng vắng, khép hờ, mở đóng
Thời gian khua, rụng chốt then cài
*
Nghe chao chát, tháng ngày đánh mất
Lời yêu xưa, lỏn lẻn, gọi mời
Thôi chấp hết, góc đời quăng quật
Để anh về, chiều muộn, em ơi…
Nổi niềm
… “Có ai đó, khi đời xế bóng
Sẽ hờn ghen, với ảnh chính mình xưa” …
Simonov
Không có ai đúng và không ai sai
Chỉ là ta không còn chung suy nghĩ
Thì có bao nhiêu hàm ngôn, hoa mỹ
Cũng đổ trôi theo biển rộng, sông dài
*
Cơ hội khép dần, vòng đời chật hẹp
Khắc khoải u hoài, lần lữa giêng hai
Cái mới lạ, chắc gì đâu là đẹp
Sắc màu, rồi năm tháng cũng tàn phai
*
Phong sương nào, mòn vẹt một đời trai
Bổng nhiên gặp “đồng hương” nơi xứ lạ
Xao động ngày xưa, một thời hoa lá
Ầm ỉ mơ trôi, choáng ngợp nắng mai …
*
Chiều vỡ toang, lối mòn treo dĩ vãng
Thời gian nào, rơi lược giắt, trâm cài ?
Dựa lưng trời, xanh một màu bảng lãng
Nghe tiếng hoàng hôn, vóng vót bên tai
*
Tuổi xuân chín bên kia bờ ảo vọng
Nuối tiếc hoa niên, ray rứt đêm dài
Trôi vòng sống, cuốn thời gian mở đóng
Cho nỗi hoài hương, ngơ ngác miệt mài
IX/15
Lặng lẽ đợi em về
Anh vẫn chờ em, tan ca đêm
Góc phố mờ cong đèn phẳng lặng
Em một mình, đường xa trống vắng
Nỗi hoài mong ngun ngút bên thềm
*
Điếu thuốc cháy tàn đêm lẻ loi
Ngôi sao Mai, cô đơn bừng sáng
Đăm đắm treo cái nhìn lơ đãng
Quầng sáng hừng đông cũng lạc loài
*
Anh ngồi chờ em bên hiên thưa
Dõi mắt ngóng đường xa hun hút
Giọt sương sa, nhịp đời hẫng hụt
Bóng nắng vờn quanh dấu phỉnh lừa
*
Em về lặng lẽ, trong lao xao
Đường phố bừng lên, hương ngày mới
Lóng lánh giấu tình, anh đứng đợi
… Năm tháng hồn nhiên, một thuở nào
*
Xót xa xô đọng, nhịp đời quay
Ru quăn quíu một thời hoa mộng
Tình như không, nỗi niềm cháy bỏng
Buông hết rồi, sao còn đắm say …
Lê Thanh Hùng

Posted in 01. Thơ | Leave a Comment »

CỬA SÔNG BUỒN Thơ của Nguyễn Hữu Hoàng

Posted by thinhanquangngai1 trên 04/09/2017

CỬA SÔNG BUỒN

Người đàn bà ngồi bên cửa sông .
Thả tóc đếm mùa ,vá từng mắt lưới .
Tay níu thời gian trôi ngày lầm lụi .
Chôn hết cuộc đời vào hố mắt nhân gian .
Hợp tan nào xin đừng hỏi dòng sông .
Bởi con nước đã mang nhiều trắc ẩn .
Những giọt phù sa đã chia chia đều số phận .
Trầm tích một đời ai biết được nông sâu .
Chấp chới cánh cò thao thức một dòng sông .
Triền cát chảy trôi dấu chân. ….
mùa về tháng bảy .
Buổi đất trời thề nguyền ….
một kiếp đời đến vậy .
Đục trong nào ai hiểu được lòng nhân .
Người đàn bà đôi mắt dõi xa xăm….
Nơi tận cùng số phận. ..
Những hạch đời di căn, những hố hầm thầm lặng. …
Rưng rức mùa từng chiếc lá vàng rơi .!!!
Người đàn bà vá nắng vào sương ….
Nước mắt nỗi niềm , chùng chình mắt lưới .
Thoả hiệp với dòng sông ….
chảy về phía cánh đồng ……..
Khát vọng sống. ……
Nhánh phong trần đột biến. Những mầm xanh .
……..
Bờ lau khô trăng gió đã vun tình …
Bờ khổ hạnh xin nãy mầm hạnh phúc .
7/8/17 H H .

Posted in 01. Thơ | Leave a Comment »

VÍ DẦU RU KHÚC ẦU Ơ Thơ của Lê Nghị

Posted by thinhanquangngai1 trên 04/09/2017

VÍ DẦU RU KHÚC ẦU Ơ

Ví dầu … nắng ngược sau tường
Ngủ ngoan đi nhé
con đường cong queo
Phía đỉnh núi
mảnh trăng treo
Có bàn chân bước hút heo
phía ngày
Ví dầu … rượu phía sông say
Sáo Trương Chi với đọa đày
sóng loang
Hồ trường
ném phía đoan trang
Ta ru ta
phía hoang đàng
u mê
Ví dầu … rơi một câu thề
Thôi thì câu hứa
cũng khuê cát
chờ
Ầu ơ … ru trọn câu thơ
Hoát nhiên chuông vỡ
bên bờ vô tri
U Minh thất, 01092017

Posted in 01. Thơ | Leave a Comment »

DƯ HƯƠNG NGÀY THƠ – Thơ của Trần Công Thạch

Posted by thinhanquangngai1 trên 04/09/2017

DƯ HƯƠNG NGÀY THƠ

Lâu lắm rồi, biết chăng em còn nhớ!
Nắng vương hồng, thắm ánh biển màu xưa,
Trời, mây, nước, sóng từng cơn bỡ ngỡ
Ta ngập ngừng câm lặng – ánh hồng trôi.
Và khi ấy nhìn nhau trong xa lạ,
Thoáng nụ cười, ngây dại điểm bờ môi.
Trăng mười sáu, tôi nhìn em bối rối!
Kỷ niệm nào về ngự trị hồn tôi.
Em như chim vành khuyên nhí nhảnh.
Còn nhớ chăng – kỷ niệm thuở xa xôi!
Tôi lặng lẽ trao em bằng ánh mắt,
Vì sợ trong em hình ảnh cũ phai rồi?!
Em biết chăng, nhiều đêm dài suy tưởng.
Gặp em về trong giấc mộng “lạc đường”!
Vùng kỷ niệm dáng em ngồi thần tượng.
Tim đơn côi đậm nét dáng em hồng
Mặc thời gian vẫn luân hồi vụ trụ.
Mà bóng hình xưa đâu nhạt phai mờ
Ta chạnh nhìn cánh chim buồn cô lẻ.
Vẫn hồn nhiên trong nếp sống yêu – mơ.
Em biết chăng? Tình tôi say đắm lắm,
Tình ban đầu e thẹn khó nên câu,
Và cứ thế – nuối dài ngàn xa thẳm.
Tiếc rằng em yêu, lạc hướng phương nào?
Tôi mộng ước tình xưa bừng sống dậy,
Sông Ngân Hà nối nhịp ánh trăng sao!!

Trần Công Thạch

Posted in 01. Thơ | Leave a Comment »

ĐÀN KHUYA Thơ của La Hà Thạch Trận

Posted by thinhanquangngai1 trên 04/09/2017

ĐÀN KHUYA

Tặng một người

Sài Gòn nhạt nắng phai màu
Phố xưa, trống vắng – lòng nhàu môi cay
Tiếng đàn buông khúc thương vay
Để tôi gởi chút bóng mây gánh sầu
Để tôi gởi gió vươn cao
Nhặt từng giọt nhớ, thuở nao chạm tình
Bơ vơ dẫm bóng ru mình
Buồn rơi thui thủi, chiều nghiêng lối về
Chẳng duyên nên lỡ câu thề
Tình xanh mơ mộng, cơn mê rã rời
Trở mùa – lá rụng vàng rơi
Nguyệt cầm, phối khí – đàn ơi ngậm ngùi
Con đường cạn nắng riêng tôi
Miên man hồi ức, một trời bình yên
Ai gieo khúc hát trong đêm
Bổng trầm lạc nhịp bên thềm người dưng
Đàn khuya buông lửng tiếng thương
Rót tình nhã nhạc, nghìn trùng xa xăm
Mênh mông vô hạn thăng trầm
Phơi xanh xuân sắc tro tàn – hương phai

La Hà Thạch Trận

Posted in 01. Thơ | Leave a Comment »

Hà Quảng viết về tiểu thuyết”CÕI HỒNG” Của Bùi Minh Vũ

Posted by thinhanquangngai1 trên 04/09/2017

TIỂU THUYẾT “CÕI HỒNG” CỦA BÙI MINH VŨ

Bùi Minh Vũ sinh ra và lớn lên ở một làng quê thuộc vùng biển xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, nhưng từ năm 1982, anh đến định cư lập nghiệp và sinh sống tại thành phố Buôn Ma Thuột. Anh là nhà thơ, nhà sưu tầm truyện cố M’nông, nhà biên khảo văn hóa dân gian Tây Nguyên…Bùi Minh Vũ đã ra mắt bạn đọc 14 tác phẩm và sắp in 2 tác phẩm nữa. Vừa rồi anh rẽ lối “sang ngang” thử nghiệm vào thể loại tiểu thuyết và cuốn tiểu thuyết “Cõi hồng” của anh do Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam ấn hành vào tháng 5. 2017.
Tiểu thuyết “Cõi hồng” có 3 chương, gồm 132 trang. Trong tác phẩm này, anh lấy mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió để làm không gian nghệ thuật. Vì vậy, chúng ta bắt gặp hình ảnh Tây Nguyên trong “Cõi hồng” của Bùi Minh Vũ vào mùa khô “ Tây Nguyên bước vào mùa khô. Nước cạn kiệt. Cái nóng râm ran không oi bức như Sài Gòn nhưng hanh heo không kém Quảng Trị…” (trang 36). Bùi Minh Vũ đi nhiều, biết nhiều nên anh có sự so sánh cái nóng của Tây Nguyên với Sài Gòn, với Quảng trị thật thú vị như vậy.
Trong tác phẩm “Cõi hồng”, Bùi Minh Vũ đưa hàng chục nhân vật vào trong tác phẩm, có những kẻ là côn đồ du côn, đến những anh cán bộ tham quyền nhũng nhiểu hách dịch; là những thanh niên, thanh nữ đương thời thích xăm hình vào những nơi có độ nhạy cảm và những người lính sau khi rời quân ngũ không tìm được việc làm ổn định cho cuộc sống đời thường…Những lễ hội của đồng bào các dân tộc Ê đê, M’nông.. ở Đắk Lắk cũng được anh đưa vào trong tác phẩm này.
Chính vì vậy, khi đọc tiểu thuyết “Cõi hồng” của Bùi Minh Vũ, ta cảm thấy như đang sống ở vùng đất Tây Nguyên và biết được nhiều nét sinh hoạt của người dân; đặc biệt là các phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc, được Bùi Minh Vũ thể hiện thật sâu sắc trong mùa lễ hội.
Từ một không gian rộng lớn, Bùi Minh Vũ đưa người đọc đến thành phố Buôn Ma Thuột nơi anh và gia đình đang sinh sống học tập và làm việc. Thành phố hiện lên trong ngòi bút của tác giả thật thơ mộng: “Buôn Ma Thuột vào đêm, không khí trong lành như thủy tinh xanh. Các quán cà phê đông khách, người ra vào dập dìu. Tôi ghé vào quán cà phê Dubai, nơi tôi và Hưng uống ly cà phê đêm trăng cuối. Từ đây nhìn ra ngoài đường phố Hai Bà Trưng sang trọng với vô số xe ô tô đắt tiền. Đánh bóng cho cung đường này là nhiều khách sạn hạng sang…” (trang 41). Đọc những câu văn như vậy trong “Cõi hồng” của Bùi Minh Vũ chúng ta mới thấy anh sống rất sâu và trân trọng yêu thương đối với thành phố Buôn Ma Thuột thân yêu này.
Trong không gian nghệ thuật đó, tác giả để cho các nhân vật của mình hoạt động một cách thoải mái tự nhiên. Các nhân vật, Bùi Minh Vũ đưa vào trong “Cõi hồng” đều có cá tính, có hoàn cảnh và số phận riêng. Chúng ta có thể bắt gặp các nhân vật ấy hàng ngày trong cuộc sống hiện nay: nơi làm việc, trên đường phố, trong công viên, tại nhà hàng, ở khách sạn, hay các quán cóc cạnh vỉa hè…Người đọc sẽ cảm nhận riêng về các nhân vật này được Bùi Minh Vũ đưa vào trong tác phẩm của mình tùy theo suy nghĩ và mức độ tiếp nhận của mỗi người.
Trong hệ thống nhân vật ấy, chúng ta bắt gặp Thân và Hưng. Đây là hai nhân vật để lại ấn tượng nhiều nhất trong lòng người đọc và đấy cũng chính là hai nhân vật xuyên suốt theo chiều dài của tác phẩm. Hưng là sinh viên mới ra trường, Hưng mơ ước được đứng trên bục giảng làm cô giáo để truyền thụ kiến thức cho các em học sinh, nhưng ước mơ đấy của Hưng chưa có điều kiện thực hiện được. Hưng phải đi làm gia sư kiếm tiền để sinh sống trang trải hằng ngày cho bản thân và gia đình, đột nhiên Hưng trở thành đối tượng hưởng thụ cho tên côn đồ bợm trợn.
Vì vậy mở đầu tác phẩm người đọc cảm thấy lạnh toát mồ hôi khi đọc hai câu văn của tác giả nói về cái chết của Hưng “ Gần nhà hàng T&T sang trọng trên đường Nguyễn Khuyến, nơi tập trung những người có tiền đến để thưởng ngoạn du hí, có một cô gái ra đi đêm qua. Đó là em” (trang 1). Về thế giới bên kia nhưng giấc mơ của Hưng vẫn cháy bỏng, may đâu Hưng gặp được một ông già chỉ hướng để Hưng có điều kiện thực hiện giấc mơ làm cô giáo của mình nơi cõi âm.
Câu chuyện tưởng chừng kết thúc ở đấy, nhưng tác giả Bùi Minh Vũ tiếp tục cho người đọc thấy được hình ảnh của Hưng qua giấc mơ, nối tiếp giấc mơ một cách lờ mờ trong tâm trí của Thân. Thân là người yêu của Hưng. Thân từng là người lính vào sinh ra tử đầy dũng khí nhưng Thân phải “bó tay” , bất lực trước cuộc sống thực tại, bất lực trước công việc được sắp xếp một cách vô cảm; chàng đành buông xuôi trước những cuộc tranh giành quyền lợi, chán chường trước những cảnh ăn hối lộ, những kẻ nịnh trên nạt dưới; công chức, viên chức có những kẻ làm những việc bất lương.
Trong cuộc sống như vậy Thân đành đánh rơi công việc đời thường khi nào mà chàng không hề hay biết. Nhưng trong tâm trí của Thân lúc này, hình bóng của Hưng vẫn in đậm, hình bóng ấy cứ vẩn vơ chìm sâu vào giấc ngủ, in sâu vào nỗi nhớ của Thân, làm cho tâm trí của Thân miên man vất vơ, vất vưởng như điên như dại.
Từng câu văn, từng trang chữ mà Bùi Minh Vũ gửi gắm trong tác phẩm “Cõi hồng” là tiếng gọi của trái tim chân thành mong ước cuộc sống được bình yên, những kẻ gian ác phải bị pháp luật trừng trị, những kẻ hiền lành chất phác sẽ được hạnh phúc; và giấc mơ bình dị nhất của con người phải đạt được. Xã hội công bằng văn mình, mọi người thấy được niềm vui trong cuộc sống, mọi người có được việc làm ổn định. Người người được hạnh phúc, nhà nhà được yên vui.
Trong tác phẩm “Cõi hồng” Bùi Minh Vũ tạo những nét nhòe của không gian, thời gian nghệ thuật và tính cách nhân vật cứ xen ngang, xuất hiện chập chùng
gợi cảm giác cho người đọc muốn tìm một hình bóng cuối cùng đích thực mà tác giả muốn gửi gắm trong tác phẩm. Bên cạnh đấy chúng ta thấy hàng chục nhân vật mà Bùi Minh Vũ đưa vào trong tác phẩm có hoàn cảnh nghiệt ngã để từ đó tác giả thể hiện tính cách của nhân vật; ý thức của nhân vật vươn lên trong cuộc sống. Điều đặc biệt là người đọc cảm nhận chất thơ trong trang văn “Cõi hồng” của Bùi Minh Vũ. Có lẽ Bùi Minh Vũ là nhà thơ khi chuyển sang viết văn xuôi chất thơ vẫn còn đọng lại và theo sát anh từ đầu đến cuối tác phẩm. Chính điều ấy đã tạo cho người đọc có cái cảm giác nhẹ nhàng khi tiếp nhận “Cõi hồng”.
Tác phẩm “Cõi hồng” của Bùi Minh Vũ đã ra đời, bạn đọc tiếp nhận rộng rãi. Đủ thành phần, đủ lứa tuổi và trình độ của mỗi người cũng khác nhau. Người tiếp nhận mặt này, người tiếp nhận mặt kia. Có người khen mặt này, có người chê mặt kia nhưng đối với tôi, tác phẩm “Cõi hồng” của Bùi Minh Vũ là một tác phẩm đáng trân trọng; chúng ta nên tiếp nhận “Cõi hồng” với niềm cảm thông chia sẻ của một nhà thơ bước đầu thể nghiệm trên tác phẩm văn xuôi, của một thể loại không hề dễ giải và người viết phải dày công tìm tòi khám phá, đầy đủ bút lực, phải có kiến thức tinh thông và vốn sống phong phú.
HÀ QUẢNG

Posted in 04. Bài viết | Leave a Comment »