Thi Nhân Quảng Ngãi

Ngó lên Thiên Ấn nhiều tranh/ Liều mình lén mẹ theo anh phen này

  • Welcome to Thi Nhân Quảng Ngãi!

  • Hân hạnh chào đón quý độc giả ghé thăm. Trang này không có tính chất "đại diện" về bất kỳ ý nghĩa nào cho bất cứ địa phương hay tổ chức nào, đây chỉ là nơi đưa một số bài thơ của một số tác giả lên mạng internet. Hầu hết tác giả trong trang này là người Quảng Ngãi nhưng hoàn toàn không phải hầu hết người Quảng Ngãi làm thơ có trong trang này. Chân thành cảm ơn quý độc giả, tác giả cũng như các bạn bè thân hữu đã gởi bài, giúp trang này ngày càng có nhiều bài vở tư liệu.

  • Giới thiệu sách

  • Phiêu Lãng Ca

    Lưu Lãng Khách

  • Về Chốn Thư Hiên

    Trần Trọng Cát Tường

  • thao thức

    hà quảng

  • bài ca con dế lửa

    nguyễn ngọc hưng

  • 99 Bài Lục Bát

    Nguyễn Tấn On

  • Gieo Hạt

    Huỳnh Vân Hà

  • Quá Giang Thuyền Ngược

    Lâm Anh

  • n bài thơ ngắn

    Đinh Tấn Phước

  • Ảnh ngẫu nhiên

  • Tổng lượt xem

    • 591 162 Lượt

Archive for Tháng Hai, 2016

BẾN THẤT TÌNH – Tập truyện ngắn của Mai Bá Ấn

Posted by thinhanquangngai1 trên 19/02/2016

FullSizeRender IMG_0332GIỚI THIỆU TẬP TRUYỆN NGẮN “BẾN THẤT TÌNH” CỦA MAI BÁ ẤN

 

Nhà xuất bản Văn học vừa ấn hành tập truyện ngắn “Bến thất tình” gồm 13 truyện ngắn của tác giả Mai Bá Ấn. Nhận xét về tập truyện này, nhà văn Nguyễn Đình Chính đã viết: Mai Bá Ấn hiện đang sống ở Quảng Ngãi. Anh làm thơ, viết văn. Truyện của anh là những câu chuyện tình yêu dịu dàng như một bài thơ, như một kỉ niệm phảng phất khói sương của ảo giác. Trang Bichkhe.org đánh giá: Vừa làm thơ vừa viết tiểu luận phê bình nhưng thành công trong tiểu luận phê bình của Mai Bá Ấn chính là nhờ sự phát hiện của một hồn thơ. Hồn thơ ấy còn phả cả sang truyện ngắn của anh. “Phiên họp tuổi học trò”, “Bến thất tình”, “Bằng lăng tím”, “Hoa mai chùa cổ”, “Phía sau nước mắt”… là những câu chuyện đậm chất thơ, đọc xong có thoáng buồn lắng đọng như dư vị của một tứ thơ hay. Người Quảng Ngãi thì cảm nhận: Xin cảm ơn anh Mai Bá Ấn về những câu chuyện cảm động! Đọc truyện của anh, tôi thương cho thân phận những người con gái: Cô Gái Chung Tình, Chị Bảy Góa Chồng, rồi những Thắm, những Phượng, những Nguyệt, những Mây, những Hạnh… Nam mô A di đà Phật! Nếu những nhân vật đã chết là có thật, xin linh hồn Người được siêu thoát và mãi mãi an nghỉ! Và với những nhân vật sống xin ban cho họ quãng đời bình yên, hạnh phúc!

Tôi cũng thương và trân trọng những nhân vật con trai: Người-con-trai-nhà-sư có số phận hẩm hiu như Hiếu – Sư Giác Huyền, như Chàng Năm Trương Chi – Ông Năm Thất Tình, thầy Trình, rồi những Minh, những Bình, những Long…

Tôi chết lặng người vì kết cục của những câu chuyện buồn. Nam mô Quán Thế Âm bồ tát cứu khổ cứu nạn! Sao con người ta cứ bị luẩn quẩn vì nỗi khổ đau trong ngũ dục, lục thức mãi mà không sao thoát ra được? 

 

Xin giới thiệu 3 trong 13 truyện của tập truyện ngắn này cùng bạn đọc xa gần.

BẾN THẤT TÌNH

                                         (Gửi bến sông Trầu quê tôi)

Tết này, tôi lại về quê… không còn thấy Ông – Năm – Thất – Tình trầm tư ngồi đọc Kiều bên chái quán lợp lá dừa của Chị – Bảy – Goá – Chồng chỗ bến sông đầu làng nữa. Với dân làng thì chuyện ông Năm còn ngồi đó hay đi đâu có lẽ cũng là chuyện bình thường. Song, với tôi, một kẻ xa quê, mỗi năm về một đôi lần thì hình ảnh cái dáng ngồi và giọng đọc Kiều của ông theo thời gian cứ in sâu dần trong tâm khảm. Càng xa lâu càng thấy nhớ, nhất là mỗi độ tết về.

Ông Năm đến làng này cũng bất ngờ và tương tự như khi ông rời làng ra đi vậy. Một cơn lốc biển đã cuốn phăng cả cái gia đình trên chiếc ghe bầu của cha mẹ ông về biển. Trời đất khiến xuôi sao ông lại trôi dạt đến bến sông này. Lúc đó, ông chỉ là một cậu bé lên mười… Và vì chiếc ghe bầu là quê hương duy nhất của tuổi thơ mình nên ông chẳng biết quê quán ở đâu mà tìm về lại, cho dù từ sau cái ngày cả gia đình bị cơn lốc chôn vùi trong sóng biển, ông đã không ít lần dọ hỏi. Ông sống với bến sông, với làng này cho tận mãi bây giờ. Mót lúa, làm thuê rồi dần dần ông cũng có được chiếc ghe con để dong câu thả cá. Đêm đêm, tiếng hát ly hương đượm nỗi buồn cô độc cùng nhịp gõ lưới chài của anh chàng đánh cá cứ thôi thúc hoài trái tim cô thôn nữ con một nhà giàu có trong làng. Và cái gì đến rồi cũng đến. Họ yêu nhau và thề non hẹn biển sẽ cưới nhau vào mùa xuân đến. Nhưng gia đình cô nhất quyết không cho cô lấy ông – một thằng dân ngụ cư cù bất cù bơ không cửa nhà, cha mẹ.

Sắp hết năm, lại phải đi dự bao lễ cưới của các bạn cùng làng, cô tủi phận và… đã trầm mình dưới bến sông này đúng chiều tối ngày Ba mươi tết. Vì giận con nên cha mẹ cô gái không thèm tế lễ. Dân làng an táng cô bên gò đất cạnh bến sông. Nấm mộ ấy, qua thời gian, giờ vẫn còn nguyên đấy. Đúng là “mộ người chưa có chồng”. Tái tê, buồn thảm đến đìu hiu. Dân làng tôi gọi đó là nấm mộ của Cô – Gái – Chung – Tình. Và nghe đâu, mãi đến sau này, gia đình cô cũng nhất quyết không lập bàn thờ cho cô. Chỉ có ông Năm thắp nhang cúng cô hàng năm mà cũng là tự cúng với bàn thờ lòng mình vào những chiều Ba mươi tết. Cứ như là chuyện Trương Chi hiện đại. Chỉ có cái kết thúc của câu chuyện là khác: Cô – Gái – Chung – Tình trầm mình, Chàng – Năm – Trương – Chi thì vẫn sống. Sống trên chiếc ghe con và thẫn thờ bên bến sông mỗi sớm mỗi chiều để nghe tuổi xuân tàn dần trong ngút ngàn thương nhớ. Ngày Cô – Gái – Chung – Tình mới mất, anh không khóc mà chỉ lặng im như tượng. Người làng chia nhau lặn kiếm khắp bến sông từ chiều đến tối, vẫn chẳng ai tìm ra được chỗ cô nằm. Dường như linh tính của người sống bên cạnh sông nước mách bảo, Chị – Bảy – Goá – Chồng phán như bề trên nhập xác:

– Chỉ có Chàng – Năm – Trương – Chi mới có thể tìm được xác cô.

Ai cũng thông cảm cho nỗi đớn đau vô hạn của chàng, nhưng đến nước này thì  không thể làm tượng trên bến sông được nữa, anh nhảy ùm xuống nước… Và y như rằng, chỉ cần lặn một hơi, Năm – Trương – Chi đã tìm được chỗ nằm của Cô – Gái – Chung – Tình. Cứ như là cô đang chờ anh để được anh ôm trong tay lần cuối. Anh bế xác cô lội về bến. Những bước đi chậm rãi, nặng nề như bị nỗi đau đè nặng. Mọi người ai cũng kinh hoàng, vì rõ ràng chỗ chị nằm, từ chiều đến giờ đã có bao người mò kiếm. Thế mà… chẳng ai tìm thấy. Chao ôi ! Tình yêu chân thật mới thiêng liêng cao cả làm sao!

Đêm Ba mươi năm ấy, dường như cả làng chẳng ai ngủ cả. Họ tề tựu bên bến sông để lo an táng cho người xấu số sau khi gia đình cô mặc nhiên vô thừa nhận “đứa con gái hư” như họ từng nghĩ thế. Suốt mấy tháng liền sau đó, đêm nào, Chàng – Năm – Trương – Chi cũng rời thuyền ghé chái quán Chị – Bảy – Goá – Chồng mua lọn nhang thắp lên và ngồi mãi bên mộ người tình nhỏ to tâm sự. Chàng – Năm – Trương – Chi trở thành Ông – Năm – Thất – Tình từ dạo ấy…

Ngày ấy, mỗi lần về quê, khi thấy dáng tôi xuất hiện ở đầu cầu bên kia sông là ông Năm đứng lên cười chào, chờ đợi, và tôi thường biếu ông mấy nghìn để ông uống rượu. Thường thì chiều tối Ba mươi tết hàng năm, khi mọi nhà lo sum họp chuẩn bị đón xuân, ông Năm ghé mộ người tình thắp nén nhang lâm râm khấn niệm rồi ngồi uống rượu bên bến sông chờ giao thừa đến. Khi tiếng trống giao thừa từ ngôi chùa cổ ở cuối làng vọng đến bến sông, ông Năm lặng lẽ rời bến sông đi chúc tết mọi nhà trong xóm. Nhà đầu tiên ông đến thường là chái quán lá dừa của Chị – Bảy – Goá – Chồng. Mà thực ra, chuyện đi chúc tết mọi nhà  như thế này chỉ xuất hiện ở ông từ ngày Cô – Gái – Chung – Tình từ bỏ ông để trầm mình cùng khối tình chung bên bến sông dạo ấy. Còn trước đó, do mặc cảm của một gả dân ngụ cư không người thân kẻ thích, vào dịp tết, Chàng – Năm – Trương – Chi chỉ lặng lẽ ngồi bên bến sông trên chiếc thuyền con của mình uống rượu và cất tiếng hát ngân nga trong nỗi buồn thân phận. Chỉ có Chị – Bảy – Goá – Chồng là hiểu lòng chàng trai mồ côi, thường mời chàng rời thuyền lên chái quán lá dừa của mình để chung ly rượu tết. Mấy năm đầu, những người có tục kiêng kỵ, không nói ra, nhưng họ rất sợ ông Năm xông đất. Thậm chí có người sợ xui rủi không ngần ngại khép cổng đuổi khéo ông đi. Nhưng riết rồi cũng quen. Mà cũng chẳng có chuyện gì xui rủi xảy ra trong năm đối với những nhà ông đến so với những nhà cố tình xua đuổi ông, nên rồi… giờ giao thừa, nhà nào cũng đợi ông Năm xông đất để nghe ông chúc Kiều và hát mấy câu tuồng cho vui nhà vui cửa …

Chiều Ba mươi tết năm nay, khi bước qua cầu, như thường lệ, tôi đã chuẩn bị mấy nghìn tiền lẻ để biếu ông Năm. Nhưng từ đầu cầu bên này ngóng mãi về bên kia, tôi vẫn không thấy ông Năm ra đón với nụ cười hiền hậu. Như đọc được nỗi ngạc nhiên của tôi, Chị – Bảy – Goá – Chồng lễ phép mời tôi vào nhà rồi chỉ lên bàn thờ và bảo:

– Ông Năm vì cứu con của chị và các cháu làng mình trong mùa lũ vừa qua nên…

Tôi lặng người khi nghe chị Bảy báo tin, lặng lẽ đến bên bàn thờ thắp nhang cho ông Năm. Và như được ông Năm mách bảo, tôi bỗng nhớ ra, liền bảo Chị – Bảy – Goá – Chồng:

– Chị bán cho em mấy nghìn tiền rượu để em cúng ông Năm. Thuở ông Năm còn sống, em thường biếu tiền ông uống rượu mỗi lúc về quê.

Chuyện này thì chị Bảy cũng không lạ gì vì mỗi lần tôi biếu tiền xong, ông Năm lại ghé vào chái quán chị để uống rượu và kể về xuất xứ những đồng tiền lẻ ấy. Khi đặt ly rượu lên bàn thờ ông Năm, tôi chợt nhận ra trên bàn thờ có tới hai bài vị. Hình như hiểu được thắc mắc của tôi, chị Bảy ngậm ngùi:

– Ông Năm là ân nhân cứu con chị và các cháu trong làng nên chị xin phép ông được thờ phượng ở đây để hồn ông có nơi nương tựa. Vả lại… cái bến sông này, cái chái quán lá dừa đơn sơ này đã gắn chặt với cuộc đời ông. Xác ông Năm dù dân làng không tìm được nhưng có lẽ hồn ông còn phảng phất mãi nơi này. Còn chuyện tình buồn của Chàng – Năm – Trương – Chi và Cô – Gái – Chung – Tình, là người làng, chắc em cũng biết. Chị ấy cũng chẳng được gia đình thờ cúng. Ngày ông Năm qua đời, chị xuống chiếc thuyền của ông thì bắt gặp bàn thờ và bài vị thờ người con gái ấy ngay trên đầu khoang nằm của ông Năm. Chị thắp nhang xin phép ông Năm được đưa cô về thờ chung cùng ông trong chái quán để họ mãi là đôi tình nhân sống chết có nhau. Kiếp dương trần không đặng thì mong đặng ở kiếp sau. Chị nghĩ và tin là như thế!

Câu chuyện của chị Bảy khiến buổi chiều cuối năm về thăm quê của tôi càng nhiều cảm xúc. Chị Bảy tiếp tục dòng hồi tưởng:

– Cơn lũ năm nay cũng dữ dội chẳng khác gì lũ năm 99. Chiếc cầu bắc qua làng năm ấy đang làm mới phải đi bằng cầu tạm. Dòng sông đục ngầu nước. Nước cuốn phăng một nhịp cầu tạm… Lúc ấy, chị đang thu xếp đồ đạc trong nhà. Số học sinh làng mình đi học ở thị trấn về muộn đứng bên kia sông gào réo ông Năm vang trời. Ghe ông Năm lúc đó chưa về kịp bến. Thằng con trai chị liều lĩnh chèo xuồng qua sông. Cả bọn, sáu đứa tranh nhau lên xuồng. Xuồng thì nhỏ mà lũ về quá mạnh. Giá như có ông Năm lúc ấy thì mọi chuyện đã khác… Nhưng rồi, như một linh tính của con người đã từng gắn chặt với bến sông này, ông Năm đã về kịp. Nhưng khi ghe ông vừa đến bến, ông đã thấy chiếc xuồng chở bọn nhỏ giữa sông đang chao đảo. Không thể chèo ra giữa dòng, ông Năm vội vã cột ghe mình vào gốc nính rồi phóng xuống sông kéo chiếc ghe lao ra giữa con nước dữ. Vừa đến nơi thì chiếc xuồng con đã chìm nghĩm, các cháu đang lặn ngụp giữa dòng. Ông Năm kéo từng cháu bỏ lên ghe mình. Và cứ thế, khi sáu đứa nhỏ và cả thằng con chị được vớt lên cũng là lúc ông Năm kiệt sức. Chị đã kêu làng inh ỏi. Bà con đến thì chỉ kịp lần theo sợi dây neo để bơi ra dìu chiếc ghe chở bảy đứa nhỏ vào bờ. Còn ông Năm đã bị cuốn theo dòng nước. Cả làng thương phục ông Năm, đổ xô nhau đi tìm khắp các triền sông, nhưng ba ngày sau cơn lũ mới tạm ngưng nên hỏi thăm hoài người dưới miệt xuôi vẫn chẳng thấy xác ông Năm đâu cả…

– Đáng kính thay cho một con người…

Tôi chợt buột miệng và tâm sự cùng chị Bảy như tự nhủ với chính mình:

– Ông Năm đến với làng mình cũng bất ngờ và tương tự như khi rời bỏ làng ra đi vậy! Có lẽ xác ông Năm đã theo cha mẹ mình xuôi về với biển. Nhưng, chị nói đúng, hồn ông Năm, con người ông Năm thì mãi gắn chặt với làng ta và bến sông này. Chẳng ai bây giờ còn nghĩ rằng ông Năm là dân ngụ cư nữa cả. Ông chính là một mảnh của hồn làng. Ông đến với làng, sống với làng, yêu ở làng, vui buồn cùng làng và hi sinh cứu các cháu trong làng… Tất cả đều vô tư như chính cuộc đời ông vậy. Đáng kính thay cho một con người.

Tôi lặng lẽ thắp thêm tuần nhang nữa trên bàn thờ hai người tình chung thuỷ ấy. Từ Tết này, với người dân làng tôi, hình ảnh Ông – Năm – Thất – Tình trầm tư bên vách quán lợp lá dừa của Chị – Bảy – Goá – Chồng không còn nữa. Nhưng có lẽ từ đây, hình ảnh ông Năm dũng cảm lao ra giữa dòng nước xiết để cứu bảy em nhỏ học sinh sẽ mãi in trong tâm trí người làng.

Bến sông quê tôi từ đó được gọi là Bến – Thất – Tình. Gọi, để nhớ ghi công đức ông Năm và cũng để dân làng mãi nhớ về một chuyện tình đẹp và buồn trên bến sông ngày cũ. Đối với tôi, một kẻ ly hương, hồn quê vẫn man mác trên mỗi bước đường, khi nghĩ về quê là nhớ đến Bến – Thất – Tình, nơi có chiếc bàn thờ hai bài vị đơn sơ trong chái quán lá dừa cạnh bến sông quê…

 

                                                          CỎ HOA VÙNG CÁT

            Câu chuyện bắt đầu từ một buổi sáng. Giờ Văn học của thầy tôi. Năm 1974. Sau những lần biểu tình mà thầy là người tổ chức, bọn quan chức quận đã ghi vào sổ đen tên tuổi thầy Trình. Hôm ấy thầy đến trễ. Cả lớp đang chờ đợi. Dáng thầy thấp thoảng phía đầu sân. Chúng tôi ùa ra cửa để nhìn. Gió buổi sáng phất tà áo thầy bay trong gió. Cái dáng gầy nhom đó như cũng xiêu ngã. Thầy không mặc bộ complê quen thuộc mà khoác bộ quần áo nhà tu màu nâu sậm. Cả lớp nhìn sờ sững. Linh tính có điều gì không hay xảy đến. Phải khẳng định thêm điều này: thầy Trình là biểu tượng của cả lòng thương yêu, kính trọng của chúng tôi ngày ấy. Thầy khoát tay ra hiệu chúng tôi vào lớp. Đôi mắt thầy buồn thiu. Chúng tôi nín lặng đợi chờ. Đứa nào cũng chỉ chực thầy nói lên rồi òa khóc. Đây rồi! Giọng thầy trầm ấm như muôn thuở.

– Các em! Lẽ ra thầy không đến lớp sáng nay. Nhưng cuối cùng, giờ này, thầy đang đứng trước các em, trên bục giảng thiêng liêng để được gặp các em, nhìn các em, nói cùng các em một lần cuối nữa…

Điều linh cảm đã thành sự thực. Bắt đầu là những tiếng òa khóc của bọn nữ chúng tôi. Rồi cả lớp. Thầy bước xuống với chúng tôi:

– Đừng khóc các em! Thời cuộc loạn li, chia tay là điều tất yếu. Sau giờ giảng sáng hôm qua, lệnh quân dịch đã đến gõ cửa nhà thầy. Nghĩa là phải rời bục giảng ngay hôm nay để đi cầm súng. Thôi các em ở lại. Thương thầy, nhớ đến thầy, các em hãy ngoan học. Giã biệt các em!

Thầy cúi đầu bước ra cửa lớp. Chúng tôi mang nước mắt, cặp sách ùa theo đưa tiễn. Đôi dép nhựa đơn sơ thầy bỏ lại giữa sân trường. Thầy đi chân đất băng qua trảng cát gió mù. Bộ đồ nâu thâm và đôi chân trần ấy, thầy định đi về đâu, chúng tôi không hề biết. Đứa nào cũng chỉ khóc. Khóc và nước mắt rơi đầy trên cát. Rơi xuống dấu chân nhỏ nhắn của thầy. Nhìn nó mà thương đến đứt ruột. Tới đầu con dốc, thầy quay lại nhìn và khoát tay ra hiệu cho chúng tôi trở về trường. Thầy lầm lũi bước đi. Cát trắng xóa, mênh mông làm cuộc tiễn đưa cuốn theo gió ban mai tiếng khóc của chúng tôi bay về đâu không biết nữa. Chắc nó bay lên trời. Vì trên con đường về, chúng tôi nhìn lại dấu chân thầy rồi nhìn trời khóc thật to mà trời thì cứ vẫn xa xanh…

Rồi miền Nam giải phóng. Rồi vào đời… Chúng tôi mỗi người một ngả, cũng chẳng ai biết thầy Trình giờ đã ra sao? Kẻ đồn thầy đã vượt biên. Người bào thầy tình nguyện vào binh chủng Biệt động quân ngụy giờ đang còn cải tạo. Kẻ lại nói thầy trở thành cán bộ cách mạng… Vân vân những lời đồn. Chỉ có thầy là vẫn biệt mù tăm…

  1. Tôi vào Đại học. Từ đó đến nay tôi là kẻ xa quê nên chuyện thầy Trình chỉ còn mơ hồ trong ký ức. Có ngờ đâu, tôi lại gặp thầy chính trên vùng cát quê hương.

– Dạ… cháu là kỹ sư hải sản về nghiên cứu công trình nuôi tôm nước lợ của huyện. Thấy một vùng cỏ hoa giữa bãi cát mênh mông này có cái gì đó là lạ. Bác định xây hoa viên trên cát này sao.

– Báo cáo đồng chí kỹ sư. Ai cũng cho đây là một điều lãng mạn. Nhưng không sao! Tôi có cái nhìn chín chắn của người già. Bao nhiêu năm qua đã hiến dâng hết phần tuổi trẻ của đời mình, chẳng lẽ giờ lại hão huyền muốn xây dựng thiên đường trên cát!

Người chăm hoa vừa trả lời câu hỏi của tôi vừa đưa tay bón phân cho những chậu Mãn đình hồng. Không ngước lên nhìn, người ấy cứ vừa làm vừa nói. Hình như người đang thì thầm trò chuyện cùng với cỏ hoa. Mọi tấp nập xung quanh không có gì liên quan đến mình cả.

– Thưa bác! Liệu những chậu Mãn đình hồng có nở hoa kịp tết không ạ?

– Kịp! Sẽ kịp! Làm sao trễ được! Và không cho phép nó trễ đâu. Hoa mà không nở đúng hạn kỳ thì còn gì là một đời hoa?

Thú vị quá! Một người chăm hoa hiểu lòng hoa như chính lòng mình. Tôi nhìn sững vào người ấy. Những sợi tóc bạc vướng trên vầng trán rộng hằn nhiều nếp nhăn buộc tôi ngồi xuống. Đối diện rồi. Và giây phút ấy. Chính cái giây phút hiếm hoi ấy, tôi gặp lại thầy Trình của tôi. Tôi reo lên:

– Thầy Trình! Phải thầy Trình đây không?

Đôi mắt đượm buồn vui sờ sững nhìn tôi. Không lầm được nữa rồi. Tôi ôm chầm lấy hai vai thầy:

– Em đây! Ẩn Lan – học trò năm lớp đệ nhị của thầy đây! Đứa học trò khóc nhiều nhất cái buổi sáng thầy khoác áo cà sa nhà tu đi lính đây mà.

– Nhận ra em rồi. Ẩn Lan mà trong những giờ Văn thầy thường ví với nhân vật của Phạm Thiên Thư “Đưa em tìm động hoa vàng” ấy mà. Em lớn quá.

Thầy kéo tôi vào căn nhà dù – cơ ngơi đầu tiên của hoa viên trên cát…

*

… Dám cam đoan với em rằng, năm 1980, thầy về quê thì chẳng còn ai nhận ra thầy Trình nữa hết. Thầy cũng cố giấu đi cái tên gọi của một thời kính trọng. Thầy lang thang tìm lại ngôi trường xưa. Hoang tàn tất thảy cùng với sự rút chạy của bọn Mỹ những ngày đầu giải phóng. Trường chỉ còn trơ vơ mấy bức tường hư. Trước ngôi trường cũ, nhìn những cây dương bò trên cát, thầy chạnh nhớ đến các em. Cái ý nghĩ xây dựng hoa viên hình thành trong thầy ngay trong cái buổi chiều tàn mịt mù gió cát ấy. Em muốn biết rõ về thầy từ ngày bị đi quân dịch ấy ư? Thôi thì… với các em, thầy giấu lại để làm gì nữa…

Thầy bây giờ là một chú thương binh. Trên người thầy có đủ vết tích làm minh chứng cho cả một thời trận mạc. Đạn bắn ra từ cuộc chiến tranh chính nghĩa đã hằn lên đời thầy. Và cả đạn bắn ra từ cuộc chiến tranh phi nghĩa của kẻ thù. Em ngạc nhiên ư? Phải mà… Sáng ấy, thầy đi. Đi trong hoang cát mịt mù mà lòng cũng rối bời mù mịt. Những hạt cát quê hương và những ngọn cỏ hiếm hoi thầm lặng không bao giờ biết nói ấy làm sao có thể thanh minh cho tấm lòng thầy? Lúc chia tay, thầy cố giữ để khỏi khóc trước các em. Nhưng lúc lầm lũi ra đi, thầy ra đi trong nước mắt. Đầu óc rồi bời. Đi vô phương định. Cứ nhắm hướng núi mà lên. Mong sao… Nhưng rồi đoạn trường thay cho thầy. Xẩm tối, một đơn vị Địa phương quân ngụy đã ách thầy lại. Thầy đành lòng làm thằng lính ngụy quân từ đó. Cầm súng cho địch với một đầu óc rỗng không như hoang mạc, với một con tim băng giá hững hờ, với đôi tay suốt đời chỉ ước mong được cầm viên phấn…

Cuộc tấn công của cách mạng cuối năm ấy đã đẩy thầy về dòng chung của cuộc chiến tranh chính nghĩa. Buổi chiều. Đơn vị thầy bị tấn công dữ dội. Tan tác hết. Thầy cùng hai người bạn nữa lạc vào rừng. Cả ba đều bị thương. May mà vết thương không đến nỗi… Ngày thứ ba đói và khát. Cái khát dễ giết chết người hơn. Trong hoàn cảnh ấy, ai cũng nghĩ rằng chỉ còn nương tựa vào nhau mới mong thoát chết. Ngờ đâu sự đói khát khiến con người ta dễ dàng bị vật hóa. Đang lả người nằm trên một tảng đá bỗng nghe một tiếng chim kêu trên cành và một quả cây rơi xuống. Thầy chỉ nhớ mang máng nó màu đỏ thôi. Không cần biết là loại trái gì. Hễ chim ăn được là người ăn được. Cùng một lúc, ba con người như ba cái xác chết kia cùng bùng dậy. Và trời ơi! Xót xa thay! Ba đứa đã giành giật của nhau một miếng ăn trong giờ chết. Không ai nhường nhịn ai. Trái cây nát bét trong tay người, chẳng ai ăn được. Thầy cứ nghĩ giá như lúc đó một trong ba đứa mà còn giữ nổi cây súng thì có lẽ mọi chuyện chưa biết sẽ đến đâu. Chắc là máu sẽ đổ vì miếng ăn nhỏ nhoi trong giờ phút nguy nàn? Hồi tỉnh lại rồi, ba đưa ôm nhau ngồi khóc… Khát quá. Đến ngày thứ sáu, một thằng đã chết. Thằng Thông quê ở Phú Yên. Rồi một thằng nữa chết vào chiều ngày thứ bảy. Thằng Kha quê ở Điện Bàn  – vựa lúa của đất Quảng Nam. Nó chết trong một tư thế có lẽ đến nghìn năm sau thầy cũng chẳng thể nào quên được. Nó cứ gào mẹ ơi, mẹ hỡi đến mức khản giọng rồi bứt hết áo quần, đập đầu xuống đất. Tưởng chết rồi… nhưng không. Thầy muốn cứu nó. Nhưng cũng không làm được nữa. Chỉ còn biết lết đến bên nó mà huơ huơ đôi tay bất lực vì đói. Đột nhiên nó gầm lên một tiếng, rướn thẳng người dậy ôm chầm lấy thân cây. Nó cắn phập đôi hàm răng vào đó rồi chết đứng. Thầy nghĩ chắc mình cũng từ giã cõi đời ngay trong đêm ấy. Ai ngờ, lịm đi một đêm, những giọt sương trên đám lá rừng ủ thầy sống lại để còn nghe được tiếng chim rừng hót chào ngày thứ tám. Đang nằm khóc lặng nhớ mẹ thương cha, nghĩ đến các em trước lúc lìa đời thì họ đến. Những người bên kia đã cứu thầy sống lại. Cô y tá Việt cộng chăm sóc vết thương cho thầy đã trở thành người vợ thủy chung gắn bó với cuộc đời thầy cho tận mãi bây giờ đây. Em muốn biết chuyện thầy và cô yêu nhau ư? Dài lắm và phức tạp lắm. Một thằng hàng binh ngụy cùng một cô y tá Đảng viên… là cả một vấn đề rắc rối. Chiến tranh mà em. Thôi! Chuyện ấy, thầy sẽ kể sau, trong một dịp khác. Còn hôm nay, thầy chỉ muốn bó khung xung quanh câu chuyện của thầy.

Vết thương nhẹ nên sau một tháng điều trị và học tập chính trị cơ bản, biết thầy là một trí thức yêu nước, cách mạng đã cho thầy cầm súng. Con đường đến với cách mạng của thầy là như vậy. Đơn giản như một đoạn đường dây bị đứt chắp lại mà thôi. Nghĩa là sau bao nhiêu hắt hủi của số phận, thầy đã tìm đến được với con đường mà ngày bỏ trường ra đi thầy định đến. Vậy mà… ai ngờ, hòa bình về chuyện của thầy lại rắc rối hơn… Nhưng thôi! Không nói chuyện rắc rối ở đây. Quãng thời gian sau ấy, thầy đã yêu, được yêu cùng người yêu chiến đấu, ước mơ. Tổng tấn công mùa xuân 75, thầy bị thương nằm viện đến ba năm. Ba năm làm anh thương binh cách mạng được ưu đãi trong những ngày giải phóng đã giúp thầy và cô ý tá cưới được nhau. Thầy nằm bệnh viện tỉnh, rồi vào các viện điều dưỡng. Cô vừa công tác vừa lận đận chăm sóc thầy. Thầy hưu mất sức, cô phải theo thầy về công tác ở quê. Nghĩa là cuối cùng, vợ chồng thầy đã kéo nhau về với cát. Và giờ đây thầy đang xây trên cát một hoa viên. Vợ chồng thầy lấy nhau quá muộn mằn chỉ sinh được một mụn con. Con thầy vừa mới hai tháng thì vợ chồng lại nhận nuôi một đứa con rơi chưa đầy tháng tuổi. Cô lo chia sữa cho hai đứa con, thầy lo giấy tờ cho chúng nó vào đời. Cũng hay, tuổi muộn mằn được hai đứa con cho đỡ một lần sinh nở. Mốt mai lớn khôn rồi bọn nó sẽ dẫn tình nhân đến đây để tình tự. Thầy hiểu mà, có lãng mạn nào không bắt nguồn từ thực tế cơ cực đâu em? Đó. Chuyện của thầy là như vậy đó. Buồn vui lẫn lộn trong từng bước thăng trầm của số phận riêng, cả trong những thăng trầm của một thời đại. Thầy thỏa nguyện… vì nói chung, thầy đã đi trọn cuộc đời mình trong tư thế của một con người.

Thầy Trình đã ngừng câu chuyện từ lâu mà tôi cũng chỉ biết lặng im không một lời bình phẩm. Mọi lời bình phẩm về cuộc đời thầy hình như vô nghĩa. Bản thân câu chuyện đã nói lên tất cả rồi. Chỉ có nắng vàng rải trên cát từng chuỗi thủy tinh trong. Hình như có tiếng cựa mình của cỏ hoa đang chuẩn bị cho xuân về đúng hẹn…

1989 – 1992

 

HOA MAI CHÙA CỔ

Không biết tự bao giờ, chỉ biết khi tuổi thơ tôi bắt đầu nhận biết thì gốc mai kia đã trổ vàng hoa mỗi dịp xuân về. Chùa cách bến sông không xa, khiêm tốn ẩn mình dưới những rặng cây cổ thụ trên lưng chừng núi Đá. Khi tiếng chuông chùa ngân lên, có cảm giác như mặt nước sông chao động. Tiếng chuông u trầm từ núi la đà về với bến sông, vương vít trên mặt sông, tạo cho cái làng nhỏ của tôi một nét đẹp riêng. Đẹp lặng lẽ và buồn.

Trụ trì ngôi chùa cổ hiện nay là Đại đức Thích Giác Huyền. Là một người xuất gia, lánh đời nhưng Đại đức lại là một nhà thơ nổi tiếng với những dòng thơ vừa nhẹ nhàng vừa vương vướng nỗi đau trần thế, phảng phất hương vị thiền của Phật. Cứ mỗi chiều, thầy Giác Huyền thường mặc bộ cà sa màu khói hương, đi chân trần đến bên gốc mai già, ngồi bên nấm mộ đơn sơ, rồi mải mê nhìn về phía vợi xa như vọng tưởng về một chân trời nào xa lắm. Trong kí ức tuổi thơ tôi, Đại đức Thích Giác Huyền cứ hiển hiện bên cội mai già như một tiên ông nhẹ nhàng thanh thoát. Có biết đâu rằng, trong lòng của vị Đại đức chân tu kia từng ẩn sâu một khối tình đau. Mẹ tôi kể rằng, cũng chính bên gốc mai già ấy, thầy Giác Huyền đã từng lặng lẽ chôn chặt nỗi đau từ ngày người con gái ấy trầm mình dưới bến sông vào một chiều cuối năm u ám.

Người con gái ấy cũng không phải ai xa lạ. Nhà chị ở xóm Bến còn nhà tôi ở xóm Chùa, cách nhau là một quãng đồng khiêm tốn có tên gọi thật dễ thương và cụ thể: đồng Bé. Chỉ một tiếng hú gọi của xóm Bến bên sông là xóm Chùa bên chân núi như bừng tĩnh dậy. Tôi có cảm giác cái làng nhỏ gồm hai xóm của quê tôi là một sự hài hoà Âm – Dương đến tuyệt vời. Một bên động một bên tĩnh, một bên im lắng không khí chùa chiền lại một bên tấp nập, rộn ràng bến chợ. Chính bến sông này đã từng nhộn nhịp thuyền ghe, nơi trao đổi hàng hoá giữa miền xuôi và miền ngược. “Ai về nhắn với nậu nguồn /Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”. Câu ca dao này vận vào chỗ bến sông quê tôi thì quả là hợp tình hợp lẽ.

Nhà chị Thắm nằm ngay bên cạnh bến sông, nhưng khác với cái ồn ào, náo nhiệt của phiên chợ chiều bên bến nước, chị Thắm đẹp một vẻ u trầm. Người dân quê tôi thường ví chị đẹp như sắc mai bên ngôi chùa cổ, bí ẩn, khiêm nhường. Mẹ tôi thì buột miệng: “hồng nhan đa truân” vì cái nét đẹp của con Thắm chứa nhiều u uẩn quá. Người lớn nói thế chứ còn tôi thì chẳng biết gì, chỉ thích nhìn cái dáng tiên ông bên cội mai già của thầy Giác Huyền và thích vô cùng nét đẹp dịu dàng của chị Thắm. Lẽ ra trời sinh chị Thắm bên xóm Chùa của tôi mới đúng, tai ác sao chị lại sinh ra và lớn lên ngay tại bến sông quá lắm eo sèo. Chính vì thế, chị thích lên chùa. Có khi chị thơ thẩn mãi ở vườn Chùa như thể chẳng muốn về bên bến sông nhộn nhịp. Chị Thắm và mẹ tôi rất ngưỡng vọng Hoà thượng Thích Giác Diệu, vị sư trụ trì lâu niên ở cái ngôi chùa cổ tựa lưng núi nhìn ra cái bến sông này. Thầy Giác Diệu tu luyện lâu đời ở đây và đã độ được rất nhiều đệ tử tiếp nối truyền thống chân tu xây dựng ngôi chùa. Khoảng khi tôi vừa tuổi chín, mười thì thầy đã đi về cõi Phật. Trong tâm khảm tôi chỉ vẹn nguyên hình ảnh thầy Giác Huyền – một đệ tử khá đặc biệt cuả thầy Giác Diệu. Và qua lời kể của bà, của mẹ tôi, tôi nghĩ có lẽ thầy Giác Diệu cũng chẳng khác với thầy Giác Huyền là mấy. Cũng nhẹ nhàng thanh thoát như một tiên ông thoắt ẩn thoát hiện trong um tùm bóng cây của ngôi chùa cổ. Có khác chăng là cái u ẩn bên trong của từng người, cái trăn trở tư riêng giữa đạo đời hai nẻo.

Chị Thắm năng cùng mẹ lên chùa từ thời còn bé. Thầy Giác Diệu là bạn đồng môn với cha chị, vì thế, từ ngày người bạn thân không may qua đời sớm, thầy đã xem chị như một người con. Mỗi khi lên viếng chùa, chị luôn quấn quýt bên thầy với tất cả niềm kính thương vô hạn. Có phải căn duyên không mà cũng tại nơi đây, chị lại gặp một người – cái người mà chị ngỡ chừng như trời sinh ra là để cho mình ngay từ lần gặp đầu tiên.

Năm ấy, mùa đông, trời bão lũ triền miên. Một sáng thức dậy rảo quanh chùa, thầy Giác Diệu bỗng thấy có một chàng tráng niên đang quỳ trước điện Phật lâm râm khấn nguyện. Đợi cho giây phút khấn niệm thiêng liêng ấy đi qua, thầy nhẹ nhàng đến bên chàng trai, đỡ chàng đứng dậy:

– Na mô A Di Đà Phật! Con là ai, ở đâu mà lưu lạc đến vùng này?

– Bạch thầy! Xin thầy hãy rũ lòng thương cho con đến nương nhờ cửa Phật.

– Tình cảnh của con thế nào? Vào đây, rồi con hãy kể thầy nghe xem.

Thầy Giác Diệu ân cần cầm tay chàng trai dắt về phòng riêng. Thầy pha nước cho chàng uống, rồi nhẹ nhàng bảo:

– Bây giờ, chỉ có ta và con, con hãy kể ta nghe tình cảnh của con ra sao mà quyết định đến nương nhờ cửa Phật?

– Bạch thầy! Cha mẹ con, hai đứa em con đã bị nước lũ cuốn phăng đi cùng chiếc ghe bầu trôi về biển cả. Cho đến bây giờ, con vẫn không hiểu tại sao mình còn sống được…

Trời vần vũ gió mưa, nước réo sôi quanh mạn thuyền như muốn nuốt chửng vào dòng cuốn của mình cả cái cơ ngơi nhỏ của một gia đình bé nhỏ. Cha mẹ chàng đã chống chọi để cố cứu đàn con, nhưng thuyền thì nhỏ, sóng lại ngày càng lớn lên cùng gió bão. Vì thế, cuối cùng cha đành buông tay. Cả nhà đã bị dòng nước cuốn trôi. Lúc ấy, chàng tráng niên đang đứng trên khoang thuyền phụ cha chống chọi với bão bùng, bỗng ầm ào một con sóng lớn ụp đến nuốt chửng cả gia đình. Anh bị sóng đánh dạt vào một thân cây cổ thụ già đang cuộn trôi trong mưa lũ. Cây cổ thụ sum suê lá cành đã cứu chàng trai thoát khỏi nanh vuốt của thuỷ thần trong gang tấc. Đến lúc tỉnh ra, anh như kẻ mất hồn, chẳng nói chẳng rằng, ba ngày đêm lặng câm như đá, đôi mắt cứ hướng về phía biển mênh mông.

Đói khát lang thang, sống nhờ trong vòng tay nhân ái của dân quanh vùng. Có người mách anh hãy tìm đến ngôi Chùa trên phía núi kia, nơi có cội mai già khẳng khiu cùng một người thầy chân tu khả kính. Chẳng còn cách nào khác hơn, chàng lê bước và lần tìm về phía núi. Vừa bước chân qua khỏi cổng Tam quan, lòng chàng bỗng lâng lâng, nhẹ nhàng như siêu thoát. Ai bảo Nát bàn xa xôi riêng lúc này chàng thấy hiển hiện giữa lòng mình cõi Nát bàn thanh tịnh, trong veo. Người chàng bỗng nhiên nhẹ nhõm, bước lên từng bậc tam cấp hướng về chánh điện, chàng cứ ngỡ như mình đang đi về phía Phật. Hình như là một cơ duyên tiền định: chú bé đơn côi không cha mẹ, người thân; không nơi nương tựa này phải là người đi theo nẻo Phật. Nhưng trên con đường đi về nẻo ấy, chàng bỗng gặp một cô gái làng đang nhởn nhơ bên cội mai già vào đúng cái ngày đông tai hoạ ấy. Chàng trai giật mình đánh rơi mất cảm giác siêu thoát khi vừa bước qua cổng Tam quan. Đúng, chàng đã gặp đúng người con gái bên bến sông với nét đẹp u huyền bên cội mai già đang rụng lá chờ xuân. Ngẫm cho kĩ thì… có cái gì trên đời này đến với một ai đó chỉ toàn là sự suông sẻ. Chàng bắt gặp ánh đạo vàng của Phật ngay sau những ngày hoạn nạn khi vừa bước qua cửa Tam quan, những tưởng Nát bàn đã sát kề bên. Nào ngờ trên dặm đường đến với đạo vàng chàng lại gặp một người con gái. Chao ôi ! Cái giây phút bất chợt mắt nhìn tận mắt, lòng chàng như rối bung lên. Ánh mắt ấy cứ nhìn chàng như một niềm an ủi. Ánh mắt bao dung như thể người con gái kia đã hiểu đến tận cùng nỗi đau mất mát của chàng. Chàng vội vã như trốn chạy, dời mắt khỏi cội mai già xăm xăm băng nhanh về chánh điện nguyện cầu….

Sư Giác Diệu nhìn ngắm chàng trai rất lâu rồi nhẹ nhàng an ủi:

– Thầy chấp nhận cho con tá túc tại chùa trong một thời gian, nhưng chưa chấp nhận để con vội vàng thí phát quy y nương nhờ cửa Phật. Con còn trẻ, trôi dạt đến đây là do sự đẩy xô của hoàn cảnh éo le. Nhà chùa sẽ nuôi con và thầy coi con như một đứa con nuôi, để con có đủ thời gian bình tĩnh nghĩ suy về quyết định của cuộc đời mình. Thầy không ép buộc con. Phải có thời gian để con tự hỏi lại lòng mình trước đã. Đến với Phật phải bằng chính lòng thành, không nên chọn đường tu trong trói buộc bởi sự đẩy xô của hoàn cảnh!

Chàng chắp tay cung kính lạy tạ thầy Giác Diệu. Và chính ánh mắt độ lượng, nhân từ của bậc chân tu đã chinh phục lòng chàng. Chàng muốn quên đi ánh mắt người con gái bên gốc mai vừa mới gặp. Thôi thì… xem như một lần hạnh ngộ do cơ duyên đưa đẩy, đừng nghĩ suy nhiều, đạo đời hai nẻo. Phải chọn và hãy tự mình chọn lấy, hỡi tâm hồn tội lỗi của chính ta.

Tự đấu tranh dằn vặt với chính mình, chàng cảm thấy hình như mình đã dần dần chiến thắng. Xưa nay, lục dục, thất tình của cõi đời là nguyên nhân nỗi khổ. Hãy lánh xa nỗi đau trần thế bởi đời là một bể khổ trầm luân. Lặn hụp làm chi giữa cõi hồng trần. “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi!”.  Đó chính là lời răn của Thích Ca Phật tổ.

Hơn một tháng trôi qua… lặng lẽ sống trong chay tịnh khổ hạnh của Phật giới, chàng những tưởng sẽ sớm quên ánh mắt người con gái ấy. Nào ngờ… giữa lúc lòng  tạm nguôi ngoai lại là lúc Sư phụ giao cho chàng tuốt lá cội mai già để trổ hoa kịp tết. Trời ơi! Cứ như là thầy đọc được mọi ý nghĩ trong lòng mình mà cố tình thử thách. Phải mà, hơn một tháng qua chàng đã lòng dặn lòng phải cố quên cái phút giây hạnh ngộ buổi sáng tinh mơ hôm ấy. Vì thế, chàng không bao giờ dám bén mảng đến bên cội mai già và thầm mong người con gái kia đừng bao giờ đến nữa. Vậy mà… giờ đây, Sư phụ buột chàng phải đến cái nơi mà chàng đang sợ đến. Nhưng biết làm sao! Âu cũng là một lần thử thách, sẽ cố vượt qua thôi! Lòng tự nhủ lòng, chàng nhẹ nhàng leo lên ngọn mai già đưa tay tuốt những chiếc lá cuối cùng vào cuối mùa đông mai đang rụng lá. Lòng chàng cứ thầm khấn niệm Na mô để Đức Phật từ bi giúp chàng gạt phăng mọi ý nghĩ vương vít. Cội mai già đã cuối đông nên cũng chẳng còn bao nhiêu lá, chàng nhẹ nhàng leo xuống sau khi đã tuốt xong chiếc lá cuối cùng. Chàng vội vã bê giỏ lá về phía sau chùa như cố tình lánh nhanh ra khỏi cái nơi lòng chàng đang lo sợ. Vậy là xong, là đã chiến thắng! Không hiểu thầy có đọc được những dằn vặt khổ tâm trong lòng mình lần nữa hay không? Đổ giỏ lá xong phía sau chùa, chàng đến bên giếng nước rửa tay rồi quay lại phòng thầy để chờ xem thầy còn dạy thêm điều gì nữa. Vừa đến bậc thềm bước lên phòng thầy, chàng dã nghe tiếng một người con gái:

– Bạch thầy! Cái người đàn ông mới đến chùa mình là ai vậy? Sao ở đã lâu mà chưa thí phát quy y?

– Đó là Hiếu – một chàng trai mồ côi sau cơn lũ vừa qua đến xin nương nhờ cửa Phật. Nhưng thầy chưa đồng ý cho xuống tóc bởi sợ đó chỉ là ý nguyện trong nỗi bức xúc thân phận chính mình.

– Na mô A Di Đà Phật!

Đúng là tiếng người con gái ấy. Chàng vội vã quay bước khỏi phòng thầy như cố tình trốn chạy. Nhưng mãi đến lúc đã về phòng riêng ngã phịch tấm thân trên chiếc giường riêng, chàng vẫn còn nghe âm vang trong đầu mình giọng nói thanh tao của người con gái. Té ra, nàng không phải là khách thập phương đến viếng chùa mà là một đạo hữu gần gũi của Sư Gíác Diệu! Sợ bị đắm chìm trong suy tư trần thế, chàng vội quờ tay lấy quyển Kinh trên đầu giường rồi đọc to thành tiếng.

– Thắm này! Số phận chàng trai ấy thật đáng thương. Ta không muốn vì cảm ơn nghĩa của chùa trong cơn hoạn nạn mà chàng trai kia phải buộc lòng mình thí phát quy y.

Chị Thắm nhìn thầy với tất cả niềm tin tưởng. Từ trong lồng ngực non tơ của cô gái đôi mươi vô tình thoát ra một tiếng thở phào. Một tháng qua, kể từ cái giây phút chạm mắt chàng trai bên cội mai già, chị đã thấy lòng mình bỗng nhiên xao động. Ôi! Ánh mắt cương nghị mà chứa chất ngập đầy trong ấy một nỗi đau buồn, cho dù hôm ấy, chị chưa hề biết chàng đến đây để ước nguyện điều gì. Vậy là chàng không tự đến để quy y thành con nhà Phật mà chỉ là một sự dun rủi tình cờ của dòng nước lũ. Chị Thắm len lén nhìn thầy hỏi như dò xét:

– Bạch thầy! Vậy thầy định bảo bọc chàng trai ấy như thế nào trong thời gian đến?

– Nghĩ cũng khó tính đây. Ta định nhờ con…

– Thầy nhờ con điều gì ạ? Con thì có thể giúp được gì?

Thầy Giác Diệu nhìn chị tươi cười:

– Chính con chứ không phải là ta, mới giúp chàng có thể bình tâm lại để định đoạt cuộc đời mình. Ta muốn con làm thân với chàng trai và động viên chàng đi học. Ta sẽ nuôi cho chàng trai ấy ăn học để thành tài. Nhìn tướng mạo của người này, ta nghĩ… tài hoa sẽ phát tiết nếu có điều kiện học hành.

– Nhưng nếu lòng chàng đã quyết!

– Nếu lòng chàng đã quyết chí quy y thì… lúc ấy, thầy trò ta sẽ tính tiếp. Bây giờ con hãy nghe ta.

– Nhưng…

– Ta hiểu… Con hãy yên tâm, ta sẽ gọi chàng trai ấy đến phòng này để cùng trò chuyện.

Như là một mệnh lệnh, chú tiểu nhỏ đầu còn để chỏm vâng lời Sư phụ lập tức đến phòng tìm Hiếu. Khi chú tiểu đến, Hiếu vẫn đang còn nằm trên giường đọc to Kinh sám hối. Nghe Sư phụ gọi, Hiếu nửa vui nửa sợ. Vui vì có lẽ thầy chấp nhận cho mình thí phát và sợ là sợ cái chuyện tuốt lá mai lúc nảy. Hiếu càng bối rối hơn khi đến cửa phòng thầy thì người con gái kia vẫn còn ngồi nguyên đấy. Một sự thử thách nữa chăng ! Hãy bình tĩnh. Lòng dặn lòng bình tĩnh, song trái tim chàng trai lại như loạn nhịp.

– Bạch thầy ! Thầy cho gọi con?

– Đúng vậy, con ngồi xuống đây nghe ta bảo.

Sư Giác Diệu ra hiệu cho Hiếu ngồi xuống chiếc ghế trống đối diện với chị Thắm. Đôi mắt chàng trai không dám nhìn vào mắt người con gái, lòng cứ nhủ Na mô để trấn an tư tưởng. Trong khi đó, chị Thắm nhìn anh với ánh mắt dịu dàng như một lời động viên gửi gắm. Một chặp, vị Sư già lên tiếng:

– Hiếu này, ta biết con rất mong sự đồng ý của thầy cho con xin xuống tóc. Nhưng thầy nghĩ, tuổi con còn trẻ, chớ có vội vàng. Bây giờ, ta muốn con nhận cô gái này là bạn để ta gửi cho con theo học hết chương trình cấp ba rồi hãy tính chuyện về sau. Có muốn tu cũng cần phải học đã.

– Nhưng thưa thầy, sau khi quy y vẫn có thể đi học  được mà.

– Ta biết, nhưng với con, ta không muốn thế. Chuyện tu hành là chuyện đường dài, trước mắt con hãy nghe ta, tập trung lo sự học. Ta tin, người bạn gái này sẽ giúp con được nhiều điều.

– Con xin đội ơn Sư phụ, từ bây giờ, thể xác và tinh thần con đã thuộc về nhà chùa, xin Sư phụ cứ chỉ bảo, con sẽ vâng lời.

– Vậy thì các con hãy ra gốc mai già để tâm sự làm quen với nhau đi. Tình bạn đẹp rất cần cho sự học, chắc các con cũng hiểu.

Cứ như là một sự tương đồng, cả hai người đều đồng thanh:

– Dạ, tạ ơn Sư phụ.

Họ chào thầy Giác Diệu. Và chị Thắm chủ động đưa Hiếu ra mé hiên chùa, nơi cây mai già đang trơ cành chờ đón tết. Cả hai đầy tâm trạng nhưng cũng chưa ai nói với ai lời nào. Khi đã ngồi yên vào hai chiếc ghế đá đặt dưới gốc mai, chị Thắm mới mạnh dạn nhìn chàng trai:

– Em thành thật chia buồn cùng anh về chuyện hoạn nạn của gia đình. Bây giờ, anh hãy cứ bày tỏ suy nghĩ của mình về chuyện đi học của anh theo ý thầy Giác Diệu!

Hiếu ngước lên nhìn vào khuôn mặt đang ửng hồng của chị Thắm. Chao ôi! Đôi mắt ám ảnh này đã từng làm khổ ta bao đêm nay đến bây giờ ta đã lòng dặn lòng quên đi mà sao cứ mỗi lần nhìn vào là mỗi lần ta bị ánh mắt kia như thu mất cả hồn. Trời ơi! Sao lại éo le đến thế này, ta muốn lánh em thì vẫn cứ phải gặp em; ta muốn tránh xa cội mai già, bây giờ lại phải ngồi ngay dưới gốc mai già để tâm sự cùng em! Phải chăng trời đất xui ta đến ngôi chùa này là để gặp em chứ không phải để trở thành kẻ chân tu thoát tục! Nghĩ đến đây, Hiếu thấy mình tự nhiên hơn đôi chút, anh trả lời chị Thắm mà mắt vẫn đăm đăm ở tận cõi mơ hồ:

– Mình thành thật cảm ơn bạn! Mình tên Hiếu, chắc Sư phụ đã nói…. Còn đằng ấy? Em tên gì vậy?

– Là Thắm, nhà bên cạnh bến sông gần đây, lúc rảnh rổi, Hiếu cứ tự nhiên ghé chơi. Bây giờ anh trả lời chuyện đi học đi, Sư phụ đang chờ kết quả bàn bạc của chúng ta.

– Được Sư phụ bảo bọc trong hoàn cảnh này đã là một đại phúc với tôi. Bây giờ, ý Sư phụ thế nào, tôi cũng nguyện theo lời Sư phụ.

– Vậy là tốt rồi, từ bây giờ, xem như chúng ta đã là bạn học của nhau. Mình tin thầy Giác Diệu sẽ xin được cho Hiếu vào học. Mà năm nay, Hiếu đang học lớp mấy rồi vậy?

– Thú thật, mình đã học xong lớp 11 từ năm ngoái, nhưng cuối năm đó, gia đình  lâm vào hoàn cảnh khó khăn nên mình đành nghỉ học để phụ cùng cha mẹ nuôi đàn em nhỏ. Mình sợ sẽ học không giỏi, phụ lòng mong đợi của thầy và của Thắm.

– Thì anh chỉ tiếp tục học lại lớp 11 cùng em để ôn lại kiến thức đã học thôi mà. Anh yên tâm đi, sự cố gắng của anh cùng với sự giúp đỡ của em và cái thanh tịnh của chùa chiền sẽ giúp anh vượt khó khăn trong việc học.

– Cảm ơn Thắm rất nhiều, ơn nghĩa này chắc muôn đời mình sẽ không bao giờ quên được.

– Hiếu đừng nghĩ thế mà đâm ra tự ti trong vịêc học, không tốt đâu. Thôi, ta về phòng Sư phụ đi.

Cả hai cùng rời khỏi ghế đá và lặng lẽ sóng bước về phòng riêng sư Giác Diệu…

Từ đó, Hiếu và chị Thắm trở thành đôi bạn thân của nhau. Họ cùng động viên nhau trong học tập. Chẳng bao lâu sức học của Hiếu đã vượt xa bạn bè cùng lớp. Thầy Giác Diệu rất vui mừng và thầm nhủ lòng: mình đã đoán không nhầm… Thằng bé có khả năng thành một nhân tài.

Trong những tháng năm cận kề ấy, cả hai cùng quý mến nhau, hay nói đúng hơn, là họ đã cùng nhau tự đào sâu chôn chặt tình yêu và đối xử với nhau trước mặt mọi người chỉ như là tình bạn thân thiết. Con đường tu vẫn đang vẫy gọi Hiếu. Chàng trai vẫn ước mơ mình được theo chân thầy để trở thành một bậc chân tu, cho dù mỗi lần nghĩ đến việc đã thí phát quy y thì không còn cơ hội để gần gũi Thắm, chàng thấy lòng bỗng dưng trống vắng đến não nùng. Còn chị Thắm thì lại càng khổ sở hơn vì phải dấu kín trong lòng bao ước mơ, dự định. Chị yêu Hiếu đến cơ chừng như trên đời này chỉ có một người đàn ông là Hiếu. Tình yêu đã làm choáng váng chị ngay lần gặp đầu tiên bên cội mai già. Giờ thì… theo năm tháng gần gũi, nó ngày càng lớn lên trong trái tim người thiếu nữ. Nhưng nó bị kìm giữ lại, bị đè nén trong ánh mắt nhân từ của sư Giác Diệu và trong bao nhiêu những ràng buộc khác trên đời. Thấm thoát năm học cuối cấp cũng đã đến. Họ cùng chuẩn bị cho kỳ thi vào đại học. Và kết quả: Hiếu đã đỗ vào đại học ngành Văn trong khi đó chị Thắm lại không đỗ được vào đại học. Chị buồn đến không còn thiết gì trên đời này nữa, cho dù chị thừa biết sức học của mình không thể sánh với Hiếu. Nghĩ đến việc phải chia tay Hiếu, chị càng thêm buồn tủi. Bao nhiêu đè nén trong lòng bấy lâu nay càng khiến chị nhận ra sự vô nghĩa của cuộc đời này. Tại sao cái mình muốn lại không dám vượt qua, vươn đến ! Mà thực ra có đến được với nhau cũng đâu phải là tội lỗi. Nhưng nếu, chỉ riêng chị yêu một cách đơn phương khi nói ra Hiếu từ chối thì chị còn khổ biết dường nào! Không, chị quả quyết không bao giờ là một tình đơn phương vì đọc trong cử chỉ, thái độ và ánh mắt Hiếu, chị thừa biết Hiếu cũng đã yêu mình từ lâu lắm. Vậy thì tại sao chẳng ai nói được nên lời? Sư phụ cũng không hề cấm đoán kia mà vì dù sao Hiếu vẫn chỉ là một người mộ đạo bình thường chưa hề xuất gia hành đạo! Hình như có một màn sương vô hình giữa hai nẻo đạo – đời ngăn trở hai người trong một hoàn cảnh mà chẳng ai dám nói cùng ai. Ngày Hiếu từ biệt thầy vào đại học cũng là ngày chị Thắm trùm chăn nằm khóc đến lạnh cả bến sông. Vậy là mình thật sự xa chàng rồi đó sao! Chị chỉ còn biết tự trách mình quá e dè để chưa một lần nói lên tiếng tình yêu thật sự. Nhưng chuyện tỏ tình phải là của Hiếu chứ? Đành là thế! Nhưng Hiếu lại là một chàng trai đang phân vân giữa hai nẻo đạo – đời! Và hẳn nhiên, cả chị Thắm cũng hiểu rằng, chàng nghiêng về phía đạo hơn vì công đức dưỡng nuôi, bảo bọc của sư Giác Diệu. Hay là ta hi sinh để cho chàng được trọn đường tu? Nhưng thực ra khi đã yêu thì dù chàng đã khoác áo cà sa, ta vẫn không thể giết chết được tình yêu ấy. Bộ áo nâu sòng kia đâu che nổi nhịp đập rộn ràng của trái tim trai trẻ đang yêu! Nhưng giờ thì tất cả đã trở nên vợi xa, chàng không thể từ bỏ con đường học vấn trong niềm tin yêu của sư Giác Diệu. Nghĩa là, Thắm phải thực sự lìa xa Hiếu. Và không biết rồi tình xưa trôi dạt về đâu? Đang trở trăn trong nỗi giày vò rối như một mớ bòng bong, thì Hiếu đến. Nhìn gương mặt xanh xao của Thắm, hình như Hiếu đã hiểu ra tất cả. Chàng nhẹ nhàng đến bên Thắm nói như an ủi:

– Anh rất hiểu nỗi buồn của Thắm, nhưng… mong Thắm đừng quá buồn phiền. Hãy cố vượt lên mình và luôn nghĩ rằng, dù ở bất kỳ nơi đâu, anh vẫn không bao giờ quên được những ngày đôi ta chung sống nơi này. Anh sẽ thường xuyên trở về đây thăm thầy và Thắm.

Thắm nhìn Hiếu, tiếng nói mỏng manh như hơi gió thoảng:

– Em rất mừng cho anh, thầm mong anh thành đạt trên con đường đi tới. Còn em, có lẽ, bến sông này sẽ muôn đời trói chặt em lại nơi đây. Anh hãy về để chuẩn bị mai sớm lên đường. Báo giúp với Sư phụ rằng em đang ốm chưa lên thăm Sư phụ được.

Hiếu nhẹ nhàng cầm lấy bàn tay xanh xao của chị Thắm. Đây là lần đầu tiên mà có lẽ cũng là lần cuối cùng, Hiếu dám nắm trong tay mình bàn tay bé nhỏ của Thắm. Dường như cũng cảm nhận được điều ấy, Thắm để yên tay mình trong tay Hiếu. Chị nhắm mắt lại để cố giấu nước mắt đang chực trào ra. Hiếu buông hờ tay chị ra và vội vàng nói như trốn chạy:

– Thôi! Anh về đây, kẻo Sư phụ đợi. Ngày mai anh đi rồi, vì niềm vui của anh mong em sớm lành bệnh. Lúc nào anh cũng nhớ về em.

Thắm mở mắt nhìn Hiếu như cố nhốt hết hình ảnh anh lần cuối cùng:

– Anh yên tâm! Em không sao đâu, chúc anh thành đạt. Tạm biệt…

Thắm nhắm mắt lại để cố không cho mình được khóc. Hiếu cũng vội vã ra về như để trốn chạy một cảm xúc là lạ đang trào dâng nghèn nghẹn trong lòng. Vậy là mình đã thật sự mất chàng rồi chăng! Nhắm mắt lại để cố lắng nghe những bước chân cuối cùng của Hiếu, chị Thắm không còn kìm giữ được lòng mình. Chị trùm kín chăn và khóc vụng một mình để chẳng ai hề hay biết. Ngoài bến sông, chiều đang xuống, lại rộn ràng mua bán, huyên náo, ồn ào, chỉ riêng chị, lòng tịnh không cơ hồ như chẳng còn nhận ra cảm giác.

Trước khi lên đường, Hiếu đã cố thuyết phục thầy cho mình được quy y trước khi vào trường đại học. Sư Giác Diệu, nhìn chàng:

– Tất cả còn đang ở phía trước. Con hãy lo học hành cho tốt, chuyện quy y chưa phải là đã muộn. Nếu từ giờ phút này con đã phát tâm  theo Phật thì đã xem như tự quy y lấy chính lòng mình. Phật không có ở Chùa mà ở chính ngay trong tâm mình vậy.

– Bạch Thầy, Thắm đang lâm bệnh, chị ấy nhờ con bạch lại cùng thầy là chưa thể lên chùa thăm thầy và tiễn con đi học được. Hình như Thắm rất thất vọng và buồn về chuyện thi hỏng của mình.

– A Di đà Phật! Đó là nỗi buồn tất yếu như chân lý khi con người không được toại nguyện chính ước mơ cháy bỏng của mình. Ngoài chuyện buồn thi hỏng, Thắm có nói gì với con trước lúc chia tay không ?

– Bạch thầy! Thắm không nói gì, chỉ chúc con học hành thành công. Và…

– Thắm buồn lắm chứ gì? Ta hiểu, kề cận nhau và quý mến nhau như thế thì chia tay nhau, buồn là chuyện hiển nhiên. Con nhớ siêng viết thư về động viên, an ủi Thắm.

– Con xin vâng lời thầy chỉ dạy.

Sáng hôm sau, có một chàng thanh niên khăn gói lên đường nhập học mà lòng nặng trĩu buồn thương. Đường tu cũng chưa thành. Đường tình đã mở vẫn còn nhiều trái ngang vướng mắc. Anh tự mâu thuẫn với chính anh. Bước chân lên đò rời bến sông quê mà lòng chàng ngổn ngang trăm mối. Chàng chờ đợi một người tiễn đưa nhưng mãi giờ phút cuối cùng khi đò rời bến, nhìn vào nhà Thắm chàng vẫn thấy lặng im. Hiếu đâu biết rằng, ngay lúc chàng đến bến sông, Thắm đã len lén nhìn chàng lần cuối cùng rồi chạy bay lên chùa như ma đuổi. Giờ thì Thắm đang ngồi dưới tượng Quan Âm lộ thiên để lâm râm khấn nguyện: Na mô cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm bồ tát! Cô muốn thét lên để giải toả bao uất ức trong lòng nhưng rồi trước Phật đài, Thắm chỉ lặng im ngồi khóc. Nước mắt  tuôn như mưa hoà vào câu Na mô ai nghe được cũng điếng tê trong dạ. Ngang trái thay cho mối tình đầu. Sống mõi mòn trong nhớ thương, Thắm chỉ còn biết chờ mong những cánh thư Hiếu gửi về từ trường đại học. Những bức thư đầy ắp yêu thương nhưng mông lung tình cảm. Càng cắt nghĩa, Thắm càng rối mù trước lời lẽ của Hiếu trong thư. Phải mà, bản thân Hiếu đang đứng giữa hai ngả đường mà chỉ được chọn một trong hai để mà đi, hỏi làm sao chàng có thể nói rõ lòng mình với người con gái ấy. Nhưng nói cố quên để quyết chí tu hành thì Hiếu cũng đã bao lần định chẳng viết thư mà rồi đêm nào hình ảnh Thắm cũng hiện về buộc chàng phải viết. Không thể chịu đựng nổi tình cảm mơ hồ của Hiếu, Thắm ngày càng đi dần về ngõ cụt  Chờ mãi đến cuối năm mà cũng chẳng có trường nào gọi chị nhập học. Mẹ  chị lập tức quát như ra lệnh:

– Con gái quê, học chi nhiều. Hãy có chồng. Có chồng là hết ước mơ, hết buồn thương vô cớ.

Từ đó, tối nào mẹ chị cũng đón chàng trai xóm Chợ bên kia sông sang chơi như cố tình để cho con gái mình hiểu ý. Mỗi lần như thế, Thắm vội vã chạy lên chùa. Gặp lúc Sư phụ đang hành lễ, chị chỉ còn biết ngồi im dưới gốc mai già mà nghe ngọn gió cô đơn thở dài trên tàn lá. Sự lánh mặt ấy của chị càng khiến mẹ chị tức tối trong lòng. Bà đe doạ, vỗ về đủ kiểu, Thắm vẫn kiên quyết không thể yêu cái người mà chị chưa hề một lần tiếp chuyện. Mẹ chị thì kiên quyết sẽ cho phía nhà trai đi lễ đúng vào chiều 30 tết. Bà nghĩ rằng chỉ vào dịp này mới có điều kiện để hai đứa trẻ gần nhau. Hoảng loạn, Thắm lên chùa nhờ Sư Giác Diệu khuyên ngăn mẹ. Sư nhìn chị với đôi mắt ắp đầy tình thương yêu nhưng chỉ lặng lẽ thở dài:

– Ta đã nguyện lánh xa trần thế để nương thân vào chốn chùa chiền. Giờ con nhờ ta can thiệp vào chuyện ái tình trần tục thì quả là khó vô cùng cho kẻ tu hành. Ta thương con như con ruột, nhưng trong chuyện này, con hãy thông cảm cho ta.

Những lời nói chí tình chí lý của Sư Giác Diệu khiến Thắm càng rối bời tâm trí. Chị lủi thủi trở về nhà. Và ngay lúc họ nhà trai đến, chị lặng lẽ mang theo những bức thư của Hiếu lẻn ra bến sông. Chị trầm mình dưới bến sông lạnh ngay chiều Ba mươi tết sau khi đã khóc khô nước mắt lúc ngồi bên bờ sông đọc lại lần cuối những lá thư của người mình yêu mến. Tàn một đời hoa. Nghe tin, đến Sư Giác Diệu cũng không thể ngờ. Dường như quên mất cái dáng khoan thai hàng ngày, Sư vội lao ra bến sông, miệng cứ khấn nguyện Na mô. Và khi tận mắt nhìn gương mặt nhợt xanh của Thắm, Sư Giác Diệu đã oà khóc như quên mất mình là một kẻ chân tu. Dân làng tôi, mãi đến bây giờ, mới là lần đầu tiên nhìn vị Sư già đáng kính khóc than trước cái chết của người thân. Hình như Sư đang ân hận vì sự nhu nhược của chính mình khi từ chối khuyên can theo yêu cầu của Thắm lúc ban chiều. Người mẹ tội lỗi chỉ biết chết lặng trong lòng… Và từ đó bà trở thành một người đàn bà điên, chiều nào cũng ngồi bên bến sông nhìn nước trôi và khóc.

Tin dữ đến với Hiếu khi chàng đang tranh thủ những ngày nghỉ tết xin sư phụ được về quê tìm lại người thân. Đoạn trường thay cho cuộc đời. Cơn lũ dữ đã cướp đi của chàng tất cả những người thân yêu, rồi ném chàng lên cái bến sông bên nhà Thắm để tiếp tục vui sống. Vậy mà giờ đây, người thân mến cuối cùng giữa cuộc đời cũng đã ra đi. Phật dạy: Đời là bể khổ. Trầm luân thay cho kiếp con người. Sư Giác Diệu hiểu hết nỗi đau đớn tột cùng của Hiếu. Ngay buổi chiều khi Hiếu trở về chùa, Sư phụ đã dẫn chàng ra mộ Thắm. Cả hai thầy trò chỉ lặng im ngồi khóc. Mộ Thắm được Sư phụ trang trọng an táng bên cạnh gốc mai già mà dân làng thường ví: Thắm đẹp như hoa mai bên ngôi chùa cổ. Ba ngày đêm liền sau đó, Hiếu không còn thiết đến chuyện trở về trường. Anh quẩn quanh mãi bên mộ chị Thắm. Đến ngày thứ ba, như ngộ ra tất cả, anh vội vã trở về phòng riêng Sư phụ và bày tỏ nguyện vọng da diết của mình: xin được thí phát quy y. Đến nước này, giữa lúc này thì Sư Giác Diệu không còn lý do từ chối. Ông thương Hiếu và như để giúp Hiếu nguôi ngoai nỗi đau tiếp tục sự nghiệp học hành, ngay nửa đêm hôm ấy, Sư quyết định cho Hiếu xuống tóc đi tu để  sau tết, chàng trở lại trường tiếp tục việc học hành đang dang dở.

Tốt nghiệp đại học trở về Chùa, Hiếu (bây giờ thì pháp danh của chàng đã là Giác Huyền) chí nguyện lao vào nghiên cứu kinh sách nhà Phật với khát vọng đọc cho ra chân lý của những lời Phật dạy. Và bây giờ, khi đã trở thành một nhà thơ, một vị đại đức đáng kính trong mắt đạo hữu, Sư Giác Huyền vẫn thường thơ thẩn dưới gốc cội mai già bên ngôi mộ nhỏ để mà hoài niệm một quá khứ đau. Người ta bảo, Sư Giác Huyền chính là hiện thân của Sư Giác Diệu sau khi vị Sư già chân tu về cõi Nát bàn.

Ai có biết đâu rằng, trong lòng nhà sư ấy, cứ mỗi độ đông về, lòng cứ khóc thầm khi đứng bên cội mai già trơ vơ cành chiều giáp tết…

 

Posted in 06. Giới thiệu sách | Leave a Comment »

CHÀO HOA CỎ Thơ Bùi Minh Vũ

Posted by thinhanquangngai1 trên 12/02/2016

CHÀO HOA CỎ

Sông như dãi lụa vắt qua ký ức
Con sóng lăn tăn nằm chết ven bờ
Cỏ ngậm nước cá rủ buồn say ngủ
Con thuyền đu đưa một vệt sương mờ

Có ai biết em mò cua bắt ốc
Nay về đâu cô gái mắt màu mây?
Trời thơm thảo nhả về đây cơn lốc
Mang trả em lầm lũi khúc sông đầy.

Nếu chẳng thể tôi cúi chào hoa cỏ
Vẽ lại dòng sông em lội ngày nào
Những biền biệt hiện màu lên cất vó
Tìm lời ru trong câm điếc nôn nao…
BÙI MINH VŨ

Posted in 01. Thơ | Leave a Comment »

NGÀY CUỐI NĂM Thơ Lê Thi

Posted by thinhanquangngai1 trên 12/02/2016

NGÀY CUỐI NĂM

Giữa dòng đời chạy xuôi, chạy ngược
Thì thầm mùa xuân phản phất qua đời
Trong hối hả mùa xuân rộn ràng quanh phố
Phủ hoàng hôn tấm lụa hoa xuân.

Ai gom nhặt hạt bụi trần gian thế
Tiếng chim chiều trôi nhè nhẹ triền quê
Trong khoảng khắc đất trời sang trang mới
Chút nồng nàn hương theo gió quay về.

Nụ cười cuối năm trôi qua đời vội vã
Đêm giao thừa rượu nhạt trắng môi
Tiễn năm cũ đón chào năm mới
Ta cùng em nghe trời đất giao hòa.

Em của ngày xuân hoa điểm sắc hồng phai
Tô son đỏ để nắng lên ngày ấm
Tôi lại sống giữa đất trời rực sáng
Cảm ơn em! Cho đời chút hoa xuân.

Lê Thi

Posted in 01. Thơ | Leave a Comment »

TÂM TÌNH MUÔN ĐIỆU Bài viết của Hà Quảng

Posted by thinhanquangngai1 trên 06/02/2016

TÂM TÌNH MUÔN ĐIỆU

Tôi không biết mở đầu như thế nào khi viết về tập thơ “Tiếng lòng” (Tập I) của Câu lạc bộ thơ Hội Cựu Giáo chức Mộ Đức. Những bài thơ trong tập thơ chảy theo những mạch dòng cảm xúc khác nhau nhưng tập trung lại tạo thành nguồn tâm tình muôn điệu của tập thơ. Đó là tình yêu quê hương đất nước con người Việt Nam nhất là đối với con người trên quê hương Mộ Đức thân yêu này; tình yêu biển đảo, tình yêu nghề nghiệp và nỗi nhớ bâng quơ có chút thầm kín riêng tư… cũng được các tác giả thể hiện trong tập thơ. Tất cả đều tạo nên khúc nhạc trầm bổng trong “Tiếng lòng” (Tập I) của các tác giả Câu lạc bộ.
Trong tập thơ các tác giả có cách thể hiện riêng trong việc trình bày câu thơ dài ngắn khác nhau nhưng tất cả đều viết theo thể thơ truyền thống, thơ tự do. Nói về thơ thì từ xưa đến nay có nhiều người định nghĩa về thơ, bàn về thơ nhưng chưa có ý kiến nào thấu đáo. Trong tập thơ này, anh Lưu Vĩnh Huỳnh đã có suy nghĩ trăn trở về thơ. Theo anh:
Khi lòng ta thầm lặng một nỗi đau
ta víu một nhành thơ xoa dịu
(Thơ – Lưu Vĩnh Huỳnh)
Như vậy theo anh, thơ có sức diệu kỳ, thơ có thể làm cho chúng ta bớt đi bao nỗi đau thầm lặng trong cuộc đời đôi khi ta mắc phải. Thơ cũng là nơi mỗi người trong chúng ta gửi gắm những tâm tình sâu kín nhất của tâm hồn, nơi giải tỏa những bức xúc riêng tư…
Tình yêu quê hương đất nước vẫn là nguồn cảm xúc dạt dào được các tác giả thể hiện, mỗi tác giả thể hiện tuy có khác nhau về câu chữ nhưng tất cả đều nói lên tấm lòng của mình đối với đất nước, đối với quê hương xứ sở. Anh Vệ Giang Nam đã bày tỏ lòng cảm xúc của mình trước cánh đẹp quê hương:
Ai có về thăm chốn quê ta
Nơi có cánh cò về đồng xanh bát ngát
Nơi có ao hồ trong veo ta tắm mát
Có cánh buồm có bãi cát thênh thang.
(Duyên quê – Vệ Giang Nam)
Hay anh Nguyễn Duy Phương nói lên nguồn cảm xúc của mình khi anh đến Huế nhìn dòng sông Hương anh lại nhớ đến dòng sông Trà:
Mai anh về đọc bài thơ xứ Huế
Đêm sông Hương mà cứ ngỡ sông Trà.
(Khoảnh khắc – Nguyễn Duy Phương)
Tình yêu biển đảo cũng là một đề tài tập trung vào trong tập thơ “Tiếng lòng” (Tập I). Anh Nguyễn Ngọc Sơn thể hiện nguồn cảm hứng của mình trước tình hình thực tế của biển Đông:
Em có nghe? Biết bao nhiêu sự thật
Biển đảo quê mình giờ sóng dữ triền miên.
(Em có nghe – Nguyễn Ngọc Sơn)
Biển là nguồn cảm hứng không bao giờ cạn cho các nhà thơ, nhà văn, cho những người cầm bút, cho những người làm nghệ thuật…Nhưng nay biển đảo ta lại “sóng dữ triền miên”. “Sóng dữ triền miên” là cách nói của anh Nguyễn Ngọc Sơn về thực tế biển Đông của chúng ta hiện nay; về thực tế Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta hiện nay…
Lý Sơn hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, nơi có đội Hùng binh ngày xưa theo lệnh vua ra để cắm mốc chủ quyền biển đảo và khai thác sản vật cũng trở thành nguồn cảm xúc của nhiều tác giả trong tập thơ này, chị Nguyễn Thị Hồng Tư đã viết:
Lý Sơn mang dáng hình phố đảo
Sừng sững hiên ngang giữ mốc chủ quyền
(Lý Sơn phố đảo – Nguyễn Thị Hồng Tư)

Trong tập thơ, hầu hết là các bài thơ của các anh, các chị đã từng gắn bó với nghề dạy học nay về hưu; trở về với cuộc sống đời thường tìm đến thơ và thơ bộc lộ nguồn cảm xúc của mình đối với trường với lớp. Chị Võ Thị Lệ Phương bộc bạch:
Giáo án kia giờ đã khép lại rồi
Phấn trắng bảng đen, em giã từ tất cả
Cánh hoa cũ ép vào miền ký ức
Tiếng trống tựu trường xa lắc trong em.
(Tình yêu cô giáo – Võ Thị Lệ Phương)
Còn chị Duyên Trân lại bộc lộ dòng suy nghĩ của mình về một ngôi trường mà mình từng gắn bó với bao nỗi nhớ:
Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi
Ngôi trường thương yêu
Ta nhớ bao điều…
( Nỗi nhớ – Duyên Trân)
Làm nghề dạy học có cái thú vị riêng. Trong cuộc sống hiện nay nền kinh tế thị trường đã len lõi vào khắp chốn có khi len lõi vào tâm hồn trong mỗi chúng ta nhưng tình thầy trò dù như thế nào đi nữa cũng không chịu ảnh hưởng nhiều. Làm thầy giáo cái niềm vinh dự, cái niềm sung sướng khi nhìn đàn học trò của mình ngày càng trưởng thành trong cuộc sống. Chính vì vậy Hà Quảng có viết:
cuộc sống đôi khi nhiều điều ngang trái
nhưng tôi luôn nhận được niềm vui.
(Tiếng lòng – Hà Quảng)
Niềm vui của Hà Quảng cũng chính là niềm vui của những người thầy, người cô đã từng yêu thương, tận tụy với học trò của mình trong những tháng năm còn đứng trên bục giảng hay lúc đã nghỉ hưu.

Tình yêu lứa đôi trong nỗi nhớ bâng quơ cũng được thể hiện nhiều trong tập thơ, anh Lê Thanh Phách bộc lộ:
Là tôi thương nhớ một người
Đêm phơi ước mộng lên mười ngón thưa.
(Riêng tình – Lê Thanh Phách)
“Đêm phơi ước mộng” là cách nói riêng của anh Lê Thanh Phách về một nỗi nhớ thật mông lung với bao trăn trở nhưng rồi cứ để trong lòng, không muốn nói ra, không muốn ai biết mà bao đêm mình đã trăn trở. Thật thú vị và thật độc đáo khi nỗi nhớ ấy vẫn còn đọng lại trong lứa tuổi của những người như chúng ta đây. Và chính những điều đấy đã tạo nên những câu thơ độc đáo khi viết về tình yêu, viết về cái muôn thuở của thi ca.
Viết về tập thơ “Tiếng lòng” (Tập I) còn bao điều tôi muốn đề cập đến nữa. Nhưng thôi! Cứ để tác phẩm tự nói lên tất cả những điều mà anh chị em trong Câu lạc bộ thơ Hội Cựu Giáo chức Mộ Đức thể hiện lòng mình. Đó là tâm tình muôn điệu của người cầm bút tỏa ra từ tập thơ. Và một điều tôi mong muốn bạn đọc, cảm nhận tập thơ với tấm lòng chia sẻ, đồng cảm trong niềm hân hoan để đón nhận những tập thơ “Tiếng lòng” tiếp theo của Câu lạc bộ thơ có chất lượng hơn.
Bờ Nam sông Vệ, những ngày đầu tháng Tiếng lòng12. 2015
Hà Quảng

Posted in 04. Bài viết | Leave a Comment »