Thi Nhân Quảng Ngãi

Ngó lên Thiên Ấn nhiều tranh/ Liều mình lén mẹ theo anh phen này

  • Welcome to Thi Nhân Quảng Ngãi!

  • Hân hạnh chào đón quý độc giả ghé thăm. Trang này không có tính chất "đại diện" về bất kỳ ý nghĩa nào cho bất cứ địa phương hay tổ chức nào, đây chỉ là nơi đưa một số bài thơ của một số tác giả lên mạng internet. Hầu hết tác giả trong trang này là người Quảng Ngãi nhưng hoàn toàn không phải hầu hết người Quảng Ngãi làm thơ có trong trang này. Chân thành cảm ơn quý độc giả, tác giả cũng như các bạn bè thân hữu đã gởi bài, giúp trang này ngày càng có nhiều bài vở tư liệu.

  • Giới thiệu sách

  • Phiêu Lãng Ca

    Lưu Lãng Khách

  • Về Chốn Thư Hiên

    Trần Trọng Cát Tường

  • thao thức

    hà quảng

  • bài ca con dế lửa

    nguyễn ngọc hưng

  • 99 Bài Lục Bát

    Nguyễn Tấn On

  • Gieo Hạt

    Huỳnh Vân Hà

  • Quá Giang Thuyền Ngược

    Lâm Anh

  • n bài thơ ngắn

    Đinh Tấn Phước

  • Ảnh ngẫu nhiên

  • Tổng lượt xem

    • 591 162 Lượt

Archive for Tháng Sáu, 2015

CHÙM THƠ LỤC BÁT Của Đặng Toản

Posted by thinhanquangngai1 trên 30/06/2015

SOI GƯƠNG

Em ngồi soi bóng trong gương
Nắng vàng tinh nghịch tìm đường chia ngôi
Hồn nhiên chợt vỡ làm đôi
Buồn xòa ấm trán bồi hồi mắt nai
Gió lùa dăm sợi tóc mai
Ngập ngừng môi bậm mi dài cau cau
Ngoài song trời kéo mưa mau
Cuồng phong tỉnh giấc lá sầu chao nghiêng
Dạt dào mưa giọt đầu hiên
Mưa đan thành mái tóc huyền không gian
Mưa đùn nỗi nhớ miên man
Buồn vui thoắt hiện, chợt tan từng vùng
Nẻo về mưa chắn mịt mùng
Dày công gió gọt tròn từng hạt mưa
Mưa ơi! Hãy xóa sầu xưa
Vây cho lòng bé, tròn vừa tay ôm.
Bảo Lộc
5/1985

SÂN SAU NHÀ BÁC KHỐI

Lơ thơ đây cụm mã đề
Kia khoanh diếp cá, mấy về ngò gai
Lối vào cửa thấp rêu phai
Cạnh bên ảng nước một hai bụi gừng
Bao lần bác Khối đã từng
Chế tô mì nóng,vị lừng… sân sau!

TÁN TỈNH

Em ơi mẹ có nhà không?
Anh mang trầu thắm vôi nồng đến thăm
Cau xanh buồng chẵn tròn trăm
Lụa điều còn đợi…nong tằm ăn lên
Hôm nay hên thật là hên
Gặp em hong tóc ngay bên hiên nhà
Anh đi qua ngõ rồi ca
Em nghe cho rõ để mà…ngẩn ngơ (?)
Ca rằng có một tên khờ
Ngày hai buổi chỉ làm thơ ve nàng
Nhà em có bụi cúc vàng
Để cô bướm lượn để chàng ong vây
Trước sân một cụm mai gầy
Gầy như em độ “tao mầy” với anh
Có quê một cục cũng đành
Tình say chí tử mơ thành trăm năm
Tình ba mươi dệt mộng rằm
Chong đèn hột vịt, chống cằm chép thơ
Khuya hoang gục ngủ vật vờ
Vừa hò hẹn đấy không ngờ chiêm bao
Tỉnh ra trời đã lên cao
Thôi thì đành cậy trăng sao nhắn giùm :
“Yêu em rừng nhớ xanh um
Yêu em môi rụng từng chùm…lông măng”
Chữ rằng : ”khẩu thuyết vô bằng”
Thư không dám gởi hát xằng ví điêu
Yêu lâu lòng đã nản nhiều
Thấy em lơ đãng đặt điều gièm pha
Hôm em trao nụ cười hoa
Sượng sùng hối hận biết là…lỡ môi
Ngẩn ngơ nhớ đứng trách ngồi
Ưng thì ừ đại cười mồi làm chi?
Ừ mau kẻo muộn xuân thì
Hay chờ trước ngõ cây si mọc hàng?
Thư thì muốn viết ngàn trang
Gặp em ấp úng mấy hàng khơi khơi
Yêu em chưa mất một đời
Vậy mà được cả một trời…tương tư…
…-Anh ơi! thơ hết rồi ư?
Hát vài câu nữa, em… Ừ cho coi!
Bảo Lộc: 26/3/1992
ĐẶNG TOẢN

Posted in 01. Thơ | Leave a Comment »

SAU CƠN ” MƯA HOANG “LÀ…

Posted by thinhanquangngai1 trên 26/06/2015

SAU CƠN “MƯA HOANG” LÀ THĂM THẲM NIỀM THƯƠNG, NỖI NHỚ…
(Cảm xúc sau khi đọc tập thơ” Mưa hoang”- Hà Quảng- NXB Văn học, 2015)

Khi đọc một tác phẩm văn học, điều tôi chú ý đầu tiên là nhan đề của tác phẩm đó. Nói như Đào Ngọc Đệ: Nhan đề “như gương mặt của một con người; nó là cái nổi bật nhất để phân biệt tác phẩm này với tác phẩm khác”
Như người bố, người mẹ phải nghĩ suy trăn trở lựa chọn khi đặt tên cho đứa con thân yêu của mình, nhan đề mỗi bài (hay tập) thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết…đều thể hiện sự lao động nghệ thuật của tác giả đối với đứa con tinh thần của mình. Khi ta bắt gặp những nhan đề cũ mèm thể hiện sự lười biếng trong lao động nghệ thuật, tự dưng cảm thấy mất hứng không muốn đọc tiếp tập thơ (hay tập truyện) ấy nữa.
Giữa hàng chục tập sách mới được bạn bè xa gần biếu tặng, tôi chú ý đến tập thơ của tác giả Hà Quảng cũng bởi cái tít khá lạ và độc đáo của anh “Mưa hoang”.
“Cơn mưa hoang rong chơi về phố biển
Gió nồng nàn gợi dáng thu xưa.”
(Mưa hoang)
Bằng nghệ thuật tu từ nhân hóa, tác giả khiến người đọc thú vị khi hình dung ra “cơn mưa hoang” như một chàng lãng tử trẻ tuổi nghịch ngợm, ưa xê dịch. Một chút phiêu diêu, một chút mộng mơ tạo nên sự liên tưởng hư thực, bảng lảng giữa thiên nhiên và trạng thái tinh thần của con người:
“ Em lại tìm em trong ngút ngàn ngày tháng cũ
Em thấy bóng dáng mình bên chùm hoa dại
Em thả hồn trong nắng gió yêu thương
Em dệt vần thơ từng sợi tơ vương
Thảng thốt chiều nay sao dài nỗi nhớ…”
(Mưa hoang)
Trong toàn tập thơ, tác giả dành nhiều thời gian ưu ái viết về tình yêu đôi lứa:
“ mái tóc bay trong chiều lộng gió
phủ xuống câu thơ ngọt mềm”
(Mái tóc em)
Tác giả đã khéo léo sử dụng biện pháp tu từ nghệ thuật hoán dụ “mái tóc” theo phương thức chuyển nghĩa để nói về một bóng hồng mà anh hằng nhung nhớ. “Mái tóc” đó “bay trong chiều lộng gió”, rồi tìm điểm dừng thật nhẹ nhàng, êm ả “phủ xuống câu thơ ngọt mềm”.
“Câu thơ ngọt mềm”. Câu thơ nhờ có hình ảnh mái tóc trở nên dịu dàng, êm ái, đáng yêu xiết bao! Sự chuyển đổi cảm giác trong thơ từ thị giác đến vị giác, xúc giác, thính giác và đến cả linh giác. Bao kỷ niệm thân thương ùa về “mái tóc” như “câu thơ mượt mà”- mái tóc “ thơm hương dịu dàng” là cái cớ để người thơ ấy vấn vương một mối tình trong hoài niệm thẳm sâu…
“ Vần thơ anh viết có tình em
Mái tóc em bay trong gió chiều
Có hương sen tỏa trong hơi thở
Ánh mắt lặng thầm…bao lời yêu”
(Em của tình thơ)
Người đẹp không chỉ hiện lên trong thơ Hà Quảng bằng hình ảnh hoán dụ chọn lọc “mái tóc” mà còn bằng hình ảnh hoán dụ “đôi mắt” nữa:
“ ánh mắt của suy tưởng
của đắm say
cháy bỏng cơn khát
…đôi mắt em
hoang sơ màu tư tưởng
xanh niềm mơ ước
xanh lòng khát khao”
(Cơn khát mắt em)
Vẻ đẹp của đôi mắt ấy không chỉ dừng ở cái nhìn sáng trong, cháy bỏng “như vì sao lấp lánh/ ánh lửa bập bùng” bề ngoài nữa mà nó đã thể hiện rõ vẻ đẹp nội tâm, vẻ đẹp trí tuệ của em rồi. Người ta thường nói “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Tôi yêu những câu thơ có chiều sâu như thế trong “Mưa hoang” của Hà Quảng:
“ Một chút giận, một chút hờn lăn trên mắt em
Anh bỗng thấy câu thơ tình nặng niềm trăn trở…”
(Một chút giận, một chút hờn)
“ Em mềm mại dễ thương
như vầng trăng tỏa sáng
tỏa sáng vần thơ
tỏa sáng ước mơ
mà sao cũng là bão?
anh bị tấn công
anh bị bao vết thương
bị nỗi nhớ dày vò
anh không chống nổi !
…chiều loang tím
trĩu nặng
bão từ phía em ! »
(Bão từ phía em)
Từ cơn bão Haiyan có thật trong đời, tác giả liên tưởng đến cơn bão «từ phía em» -người con gái «mềm mại dễ thương» với vẻ đẹp tâm hồn thánh thiện «như vầng trăng tỏa sáng». Thoạt nghe tưởng chừng như vô lí nhưng càng ngẫm càng thấy thật hợp lô gic: Chính vì em đẹp thế, em thánh thiện đến thế mới làm lòng anh nổi giông nổi bão bởi «nỗi nhớ dày vò/ anh không chống nổỉ». Đó là cách nói hình tượng đầy chất thơ.
Câu thơ tả tâm trạng này cũng rất gợi :
«em nhìn mưa qua cửa sổ
Chiếc lá vàng lảo đảo
Gợi nỗi niềm yêu thương»
(Sài Gòn bất chợt)
Câu thơ nhân hóa «chiếc lá vàng lảo đảo» khiến ta liên tưởng đến kiếp người mỏng manh «sắc sắc không không» như lá vàng trước cơn mưa gió của cuộc đời; lòng lại thầm mong cho đi và nhận lại thật nhiều yêu thương trong cuộc sống hữu hạn của con người…
Bên cạnh chủ đề chính viết về tình yêu đôi lứa, Hà Quảng cũng dành dụm thời gian viết về tình yêu gia đình, tình yêu quê hương, đất nước. Tình yêu gia đình, quê hương, đất nước trong thơ anh gần gũi thân thương và hòa quyện khăng khít, thắm thiết. Không gian thơ mở rộng đa chiều: từ cơn «Mưa xưa» qua «Chiều mưa Đồng Cát»; từ «Dòng sông quê mẹ» đến «sông Thoa», «sông Dinh»; từ giọt «Nắng phương Nam» đến «Đôi miền thương nhớ»…đâu đâu ta cũng bắt gặp những hình ảnh thân thương, trìu mến, thiên nhiên ấp ủ tâm hồn người :
« Cơn mưa chiều lãng đãng
Dòng sông Thoa thì thầm…”
“ Nắng phương Nam hay tình em là nắng
Nắng dịu hiền mang màu sắc rất riêng
Nắng phương Nam gợi bao điều khao khát
Cứ dập dờn như con sóng triền miên…”
Rất nhiều người đã làm thơ ca ngợi: Mười cô gái ở Ngã Ba Đồng Lộc nhưng Hà Quảng có cách thể hiện riêng. Vẫn bằng thủ pháp tu từ hoán dụ, tác giả dụng công đặc tả về mái tóc- mái tóc của những nữ thanh niên xung phong thời chống Mỹ cứu nước:
“ mái tóc vương vương màu đất
mái tóc vương vương màu khói bom
cây bồ kết trĩu quả tỏa hương
cái lược, cái gương của thời con gái…”
(Mười cô gái ở ngã ba Đồng Lộc)
Không chỉ mở rộng phạm vi thơ ở không gian đa chiều, Hà Quảng cũng rất chú ý đến thời gian trong thơ: quá khứ- hiện tại- tương lai luôn đan cài, trăn trở trong thơ anh. Sau hai mươi năm xa cách, thầy trò gặp lại nhau tại ngôi trường cũ, thầy giáo rưng rưng quan sát các em đi tìm lại bóng dáng, nụ cười, tiếng nói của mình “còn đọng đâu đây nơi lớp học sân trường”. Không có tấm lòng yêu nghề mến trẻ sâu sắc, không thể viết được những câu thơ chân mộc, nặng tình như thế này:
“ Những mái đầu xanh nhuộm vài sợi bạc
Cuộc sống mỗi người nhiều nét đổi thay
Chúng ta vẫn nhận ra bao điều ngày ấy
Niềm yêu thương còn lắng đọng đến giờ!”
(Sau hai mươi năm)
Mùa xuân- thời gian khởi đầu một năm, cả nước dành sự quan tâm cho những người lính trẻ đang ngày đêm canh giữ bảo vệ biển đảo Trường Sa:
“Người dân biết các anh còn nhiều thiếu thốn
Gửi món quà quê mẹ thắm yêu thương
Người vợ gửi cho chồng bằng tình yêu chung thủy
Đứa con thơ gửi cha cái hôn nồng nàn sữa mẹ…”
Tác giả thấm thía một điều: món quà các anh bộ đội Trường Sa cần nhất không phải là giá trị vật chất mà là tình cảm thân thương, trìu mến, chung thủy…từ đất liền dành cho anh, giúp anh có thêm động lực “vững vàng tay súng, bảo vệ chủ quyền lãnh hải biên cương”.
Mùng ba Tết, học sinh đến thăm thầy cũng làm cho tác giả rưng rưng cảm động:
“Chén trà xuân lan tỏa
Không gian tràn nhớ thương
Hương xuân gợi vấn vương
Biết bao điều muốn nói”
(Chiều mùng ba Tết)
Mỗi khoảnh khắc thời gian đi qua cuộc đời cũng chạm vào tâm hồn đa cảm ấy miên man nỗi nhớ
“tháng ba rồi không biết sao đây
nỗi nhớ chất chồng nỗi nhớ
sao nhớ thương không lối đợi
vương vương tóc em nồng nàn”
(Chút nắng tháng ba)
Giọt mưa tháng bảy trong thơ anh cũng vương mang sầu nhớ:
“ Giọt mưa nào rơi bên kia sông
Để giọt bên này nhớ nhung sâu nặng”
(Mưa tháng bảy)
Rồi một đêm tháng mười huyền ảo:
“ anh vịn vào ánh trăng
ánh trăng khuya mềm mại như nỗi nhớ không tên
trĩu nặng bao niềm khát khao…”
( Giữa tháng mười)
Có một mùa thu người thơ ấy ra thăm Hà Nội “thành phố cổ kính trong sắc màu hiện đại”, ngắm hồ Gươm “lăn tăn con sóng” êm dịu, sao anh vẫn cảm thấy như những con sóng ấy:
“Vỗ vào lòng anh
Cứa vào da thịt anh
Nỗi nhớ”
( Mùa thu Hà Nội)
Hơi phóng đại một chút khi nói con sóng lăn tăn nơi Hồ gươm thơ mộng kia lại có sức mạnh “cứa vào da thịt anh nỗi nhớ”. Nhưng nếu đọc kỹ từng bài thơ trong tập thơ” Mưa hoang” của Hà Quảng, mới hiểu người thơ này luôn mượn cảnh tả tình và cảm nhận của anh là hoàn toàn chân thực , bởi “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du).
Thơ Hà Quảng giàu cảm xúc và mang đầy tâm trạng ưu tư hoài niệm:
“ Chiều nay cơn gió liêu xiêu
Còn không nỗi nhớ những chiều mưa xưa?”
(Mưa xưa)
Dẫu có mộng mơ, hoài cổ đến mấy, người thơ ấy vẫn rất tỉnh táo sống cho hiện tại và hướng đến tương lai với cái nhìn lạc quan, yêu đời. Bóc tờ lịch cuối cùng của năm cũ, treo lên tường một bloc lịch mới, anh tự hỏi mình:
“Ta làm được gì sau mỗi bước thời gian”
(Tờ lịch)
Anh ước mong cho mình và cho mọi người cuộc sống ngày càng mới mẻ, tươi trẻ. Đó là thái độ sống của một người đầy lòng tự trọng, biết làm chủ bản thân và làm chủ cuộc đời.
Gấp cuốn sách lại, trong tôi vẫn còn đọng lại dư ba cơn “mưa hoang” phiêu lãng xuyên suốt chủ đề của tập thơ Hà Quảng.Tôi biết anh là một thầy giáo dạy văn cấp ba. Đó là một lợi thế để người thơ không chuyên này áp dụng các biện pháp tu từ về từ vựng (so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, ngoa dụ…) làm cho nghệ thuật chuyển tải nội dung thơ thêm phong phú, đa dạng. Một ưu điểm về nghệ thuật nữa trong tập thơ này là tác giả đã sử dụng linh hoạt các thể thơ tự do, thơ năm chữ, thơ bảy chữ, thơ tám chữ, thơ lục bát… khá nhuần nhuyễn, giàu âm thanh, hình ảnh, nhạc điệu. Tôi biết có nhiều người viết thơ không chuyên ở lứa tuổi 5x, 6x thường mắc phải cái lỗi viết thơ theo lối mòn, lặp lại nội dung, cách viết của người khác và lặp lại chính mình. Rất may, Hà Quảng không mắc phải cái lỗi ấy.
Nếu có điều gì mong mỏi hơn ở thơ Hà Quảng, tôi mong anh dồn nén cảm xúc trong từng câu chữ hơn nữa, tạo được nhiều câu thơ “ý tại ngôn ngoại” hơn nữa…Và tôi cũng rất tán đồng với ý kiến xác đáng của nhà thơ Mai Bá Ấn: ”…Chúng ta tiếp tục mong Hà Quảng có nhiều hơn những phút “hóa dại khờ” và “hoang đàng”; nhiều hơn nữa những “ngọn tình âm ỉ cháy” cùng những “hoang sơ mộng mị” ngay chính trong lòng mình để chuyển thi pháp từ “có cớ” sang “vô cớ” ngày một thơ hơn”.
Sìn Hồ, ngày 25. 6. 2015.
BÙI THỊ SƠN
(Hội viên Hội VHNT tỉnh Lai Châu- Hội viên Hội VHNT Các Dân tộc Thiểu số Việt Nam- Hội viên CLB Thơ Việt Nam.)

 

Posted in 03. Bình thơ | Leave a Comment »

HAI BÀI THƠ Của Nguyễn Thị Thu Ba ( Sóng Thu )

Posted by thinhanquangngai1 trên 18/06/2015

SÓNG SÔNG TRÀ

Ôi tháng sáu !
Thời gian trôi nhanh quá
Đón tuổi trời
ngày tháng mãi đi qua
Bâng khuâng nhớ
khung trời xưa yêu dấu
Bao nỗi niềm
lưu luyến buổi chia xa
Nghe dân ca
dòng sông vương ký ức
Sóng vỗ về
khe khẽ hát lời yêu
Và trong gió…
trống lòng ai thổn thức ?
Bùi ngùi thương …
sợi tóc điểm sương chiều
Em vẫn nhớ
vẫn yêu từng kỷ niệm
Vẫn ru tình
theo những dấu chân qua
Trong lặng lẽ
tim hồng thêm triều mến
Ngọt ngào ơi !
thương lắm …Sóng Sông Trà
1/6/2014

GIẤC MƠ HOA

Hạ về rồi ! hoa phượng nở đầy sân
Từng cánh mỏng lung linh tia nắng mới
Đêm có nghe vầng trăng xa vời vợi
Hát thì thầm giai điệu mượt mà …. thương
Cùng lời thơ là nốt nhạc vấn vương
Như xoắn xuýt trái tim … tình không tuổi
Em ngây ngất giữa cuộc đời lầm lụi
Mơ từng ngày mắt lá dậy mầm yêu
Dẫu biết rằng ! Hoàng hôn ngã về chiều
Ta vẫn có mùa hè đang dội lửa
Vẫn muốn níu nắng hồng ngoài khung cửa
Sưởi tâm hồn ấm lại giấc mơ hoa
Dù lặng buồn thầm tiếc mỗi xuân qua
Niềm lưu luyến bên anh là có thật
Khi ngọn gió mang đi điều được … mất
Em trải lòng san sẻ chẳng hờn ghen
9 / 5 / 2015
Sóng Thu
(Nguyễn Thị Thu Ba)

Posted in 01. Thơ | Leave a Comment »