Thi Nhân Quảng Ngãi

Ngó lên Thiên Ấn nhiều tranh/ Liều mình lén mẹ theo anh phen này

  • Welcome to Thi Nhân Quảng Ngãi!

  • Hân hạnh chào đón quý độc giả ghé thăm. Trang này không có tính chất "đại diện" về bất kỳ ý nghĩa nào cho bất cứ địa phương hay tổ chức nào, đây chỉ là nơi đưa một số bài thơ của một số tác giả lên mạng internet. Hầu hết tác giả trong trang này là người Quảng Ngãi nhưng hoàn toàn không phải hầu hết người Quảng Ngãi làm thơ có trong trang này. Chân thành cảm ơn quý độc giả, tác giả cũng như các bạn bè thân hữu đã gởi bài, giúp trang này ngày càng có nhiều bài vở tư liệu.

  • Giới thiệu sách

  • Phiêu Lãng Ca

    Lưu Lãng Khách

  • Về Chốn Thư Hiên

    Trần Trọng Cát Tường

  • thao thức

    hà quảng

  • bài ca con dế lửa

    nguyễn ngọc hưng

  • 99 Bài Lục Bát

    Nguyễn Tấn On

  • Gieo Hạt

    Huỳnh Vân Hà

  • Quá Giang Thuyền Ngược

    Lâm Anh

  • n bài thơ ngắn

    Đinh Tấn Phước

  • Ảnh ngẫu nhiên

  • Tổng lượt xem

    • 591 160 Lượt

Archive for Tháng Bảy, 2017

CHÙM THƠ CỦA Lê Thanh Hùng

Posted by thinhanquangngai1 trên 29/07/2017

NHỚ BIỂN
Sóng dạt, xô đời, nghiệt ngã
Nổi trôi, hai mặt đồng tiền
Đắm đuối, vòng tay buông thả
Thao lao, mưa đổ ngoài hiên
*
Cuốn quýt, chợ chiều bến cá
Nhòe mưa, dáng nhỏ liêu xiêu
Nặng nợ ân tình như đã …
Vắng thuyền, bến cũng buồn hiu
*
Biển động, thuyền câu “chạy lựa”
Mịt mù, sóng bủa ngàn khơi
Lặng lẽ bếp chiều đỏ lữa
Nhớ gì ? quên tiếng cơm sôi
*
Khơi lộng, thuyền không về bến
Giông chiều, khói bếp nồng cay
Nước cạn, phơi cồn lơ đểnh
Cơm chiều, rớt đũa cầm tay
*
Hạt mưa, vỡ trên ngọn sóng
Tan chiều ảo vọng đường khơi
Nổi nhớ, theo chiều gió lộng
Mênh mông, đằm thắm dặm đời.
NGỒI TRONG QUÁN CŨ

Lặng lẽ, bước qua con phố cũ
Kỷ niệm xưa, thấm đẩm góc đời
Bao năm rồi tưởng chừng yên ngủ
Vết thương xưa còn đó, người ơi
*
Phố cũ chợt oằn mình đổi mới
Con đường quen, say đắm một thời
Gốc me già, ta thường đứng đợi …
Hoa ngày xưa, từng cánh rơi rơi
*
Có lúc hết tiền, tình, bó gối
Ngồi một mình, trong quán cà phê
Bóng nắng rớt, chậm chiều mờ tối
Đếm giọt rơi, khắc khoải lối về
*
Vẫn biết thời gian rồi khỏa lấp
Tương lai còn trong những bàn tay
Lơ đãng ngó, giật mình bắt gặp
Nợ quán chồng thêm cuốn sổ dày …
LỜI RU ĐÊM HÓA PHỤ

Đêm ẩn ức, lời ru ngắt ngứ
Phố chớp đèn, đắm tiếng nhạc jazz
Lời cuồng vọng, ai còn níu giữ
Điệu ru buồn, thắc thỏm hiên nhà
*
Đêm mộng mị, em ru mộng mị
Tan vỡ rồi, một giấc mơ hoa
Sao đắng đót, tháng ngày hoang phí
Còn lời ru, xa vắng nhạt nhòa
*
Tiếng hát đọng bè trầm mượt phố
Ảo mộng trôi trong tiếng ầu ơ …
Lời ru rớt bên thềm, lổ chổ
Mơ hồ nghe tiếng vọng dại khờ …
Lê Thanh Hùng

Posted in 01. Thơ | Leave a Comment »

CHÙM THƠ VIẾT VỀ HOA CỦA Hà Quảng

Posted by thinhanquangngai1 trên 29/07/2017

1. HOA THÌ LÀ

Có một loài hoa mang tên thì là
Để suốt đời thì là như vậy
Trong cuộc sống có điều ta thấy
Do nghe nhầm rồi lại định danh.
Hoa thì là tỏa sắc khoe hương
Để người thương được nhiều điều ước
Có lẽ tình yêu do căn nguyên ngày trước
Nên bây giờ thì là…thế cho xong.
Ngọc Hoàng kia còn lúng túng ngập ngừng
Huống hồ chúng ta người trần mắt thịt
Sương đêm phủ phía bên kia mù mịt
Nên nhiều người lạc lối cõi tình yêu.
Anh là người vốn không muốn hỏi nhiều
Nhưng thì là…lại là điều muốn biết
Nhưng thì là… lại là điều muốn hiểu
Nghĩa thế nào…thì là…vậy em ơi!

2. MÀU TÍM HOA MUA

Làm một loài hoa nhưng chỉ biết mua
Mua cả đời không bao giờ nãn
Mua cả đời không ai người bán
Mà cứ mua vì kiếp hoa mua.

Hoa mua Minh Long người em gửi tặng
Có chút sương mờ trên đỉnh núi cao
Có dòng sông xưa rẽ ngang ngày ấy
Để bây giờ anh mãi khát khao.

Hoa không bán mà chỉ mua thôi
Nên tim tím chiều giăng trên khóe mắt
Có phải tim anh bao lần thắt chặt
Để thương hoài màu tím hoa mua.

Ai lặng thầm ngày em về bên kia sông
Bỏ lại sau lưng khoảng trời nhung nhớ
Con ve sầu tháng Năm ngẩn ngơ
Để hạ này hoa mua giăng trước ngõ!

Có phải ngày xưa lối mòn bỏ ngỏ
Hoa mua buồn không nói được lời thương
Em và tôi và nỗi nhớ buồn vương
Màu tím biếc phủ lên chiều buông nắng.

3. HOA LOA KÈN

Ta đợi tiếng ve về tháng tư vàng nắng
Em xa mờ phía bên dốc mù sương
Hoa loa kèn ngẩn ngơ chiều cuối phố
Tát cạn lòng tìm dáng người thương.

Ta tìm em trong khoảnh khắc chiều buông
Mây lang thang trên bầu trời cao rộng
Cánh chim nhỏ bay về tổ ấm
Thành phố lên đèn thao thức những vì sao.

4. HOA HƯƠNG THẢO

Em mang tên loài hoa hương thảo
Để anh thầm nghĩ đến một người thương
Trời xứ sở xanh màu nhung nhớ
Dáng hao gầy trên khóe mắt tơ vương.

Hương thảo ngày xưa ai đã đặt tên
Để anh say mê sắc trời tim tím
Màu nhung nhớ tỏa ra từ lồng ngực
Vú mộng trăng tròn hình dáng con tim.

Em ở nơi nào – hỡi xứ sở xa xôi
Về với quê anh, em thành người hiếu thảo
Sương khuya xuống giữa đôi bờ vực thẳm
Hoa hương thảo âm thầm cánh tay gối ước ao.

Mùa hạ về rộn rả tiếng ve ran
Và nhớ thương lại dâng tràn cảm xúc
Có khi nào em nghe lòng rạo rực
Tiếng vọng tim mình cháy bỏng khát khao.
Hà Quảng

Posted in 01. Thơ | Leave a Comment »

CHÙM THƠ CỦA Trần Công Thạch

Posted by thinhanquangngai1 trên 29/07/2017

HAI NGÃ

Điện đàm giọng nói thân thương
Ngỡ ngàng tóc đã điểm sương đôi đầu
Ngập ngừng chẳng tỏ tròn câu
Ai tri ân đó, ta sầu làm sao?
Đời ngang trái, kiến bèo trôi
Đời chia hai ngả, ôi thôi là buồn
Kiếp cùng đinh, lại vương mang
Tìm chi cho khổ, lang thang mộng đời
Lệ thầm ai mãi tuôn rơi
Muộn màng thêm khổ, ai người hiểu ta?
Làm sao ai thấu tình ta?

LỜI TỰ TÌNH

Trái cấm vườn nay vắng chủ vườn
Hương thơm dịu ngọt, dạ càng thương
Hàng rào lý trí, nên đành ngắm
Chẳng dám lời yêu luống đoạn trường

Trái cấm vườn xưa, dạ vấn vương
Bướm ong dìu dập, hận tình trường
Giờ đây chung cuộc đành len lén!
Vườn hạnh rào nghiêng, giữ má hồng?

Biết nói gì đây? Chút dư hương
Thôi về cô quạnh giấc “miên trường”
Một mình thổn thức, mình mình biết!!
Khổ nỗi đêm ngày mãi nhớ thương!

Trần Công Thạch

Posted in 01. Thơ | Leave a Comment »

CHÙM THƠ CỦA La Hà Thạch Trận

Posted by thinhanquangngai1 trên 29/07/2017

VIẾNG THĂM CON
Tặng Mẹ và kính viếng anh ngày TBLS

Nơi đây thăm thẳm đường xa
Chìm trong lối nhớ, nhạt nhòa nắng loang
Mênh mông bia đá thu vàng
Khói mờ lau lách hương tàn chiều hôm
Mẹ bần thần đứng lạy con
Lặng khô nước mắt, nhói lòng đáu đau
Chỉ là mộ gió biết rầu
Mà thương, mà viếng, nát nhàu ruột gan
Gió Tân Biên, chiều nghĩa trang
Lưu danh một cõi, ngàn năm hóa đời
Tận cùng biên giới xa xôi
Ví như con đã về rồi – đất quê
Trầm nhang vươn khói tứ bề
Bao năm yên nghỉ, nẻo về hư không
Mẹ về bên vạt cỏ non
Tay run vuốt mặt đá buồn – đọc tên
Thăm con, biết được bao lần?
Đành thôi mai mốt ngày tàn theo cha
Cạn đời khô héo tuổi già
Phải chăng hồn rướm gió là đà bay.

HOÀI NIỆM MỘT THỜI
Về Nguyệt, Phước
Chi đoàn Bắc Sơn – Đoàn Công tác xã hội học sinh sinh viên

“Nối vòng tay lớn” – tuổi thanh xuân
Tóc xanh ngày ấy, mộng trong ngần
Chúng mình xưa xửa cùng chí hướng
Khát vọng hòa bình hết chiến tranh
Thành phố đạn cay và xiềng xích
Tim anh thôi thúc khúc thu xa
Phím đàn ai đó? Dòng sông lớn
Chung một niềm tin, cất tiếng ca
“Đêm hồng” hy vọng cùng mơ ước
Phía trước thênh thang “Dậy mà đi”
Áo trắng sinh viên, hồn rực lửa
Vươn lên đập phá cửa ngục tù
Bạn ơi! Hào khí trong quá khứ
Đánh thức nỗi đau chia nước non
Anh biết dâng thời trai trẻ ấy
Cho một ngày mai tươi sáng hơn
Gặp nhau vui nghẹn lòng đau đáu
Nghe những cuộc đời nước mắt rơi
Bao tâm hồn đẹp ngày xưa ấy
Đâu rồi? bạn hỡi! quá xa xôi.

La Hà Thạch Trận

Posted in 01. Thơ | Leave a Comment »

TRĂNG ĐÃ VỀ VỚI BIỂN – Thơ Hồng Phúc

Posted by admintnqn trên 20/07/2017

TRĂNG ĐÃ VỀ VỚI BIỂN
( Viết tặng người trong cuộc )

Trăng xiêu lòng vì sao
Lời yêu quá ngọt ngào
Quên tình em biển cả
Chờ mong mãi dâng trào .
Trăng lòng dạ cồn cào
Thương con sóng lao xao
Trăng lỗi lầm quá đỗi
Quyết từ tạ vì sao
Tựa vào núi vẩy chào
Đợi đêm rằm về biển
Biển ơi ! thôi muộn phiền
Đón nhận trăng biển nhé.
Trăng hôn biển khe khẻ
Đáp tình trăng ngọt ngào
Biển lặng thầm gửi trao
Thuỷ Chung đến bạc đầu .
Ôi tình yêu nhiệm mầu
Xoá tan biến nỗi sầu
Trăng đáp đền tình biển
Khắc ghi đến ngàn sau .

HỒNG PHÚC

Posted in 01. Thơ, Hồng Phúc | Leave a Comment »

GIỚI THIỆU TIỂU THUYẾT CÕI HỒNG

Posted by admintnqn trên 20/07/2017

GIỚI THIỆU TIỂU THUYẾT CÕI HỒNG

Cõi hồng là tiểu thuyết đầu tay của nhà thơ Bùi Minh Vũ, gồm 3 chương, 132 trang, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành lần đầu tháng 5-2017.
Hai nhân vật xuất hiện xuyên suốt và ấn tượng nhất trong tác phẩm là Thân và Hưng. Từ chỗ là một sinh viên mới ra trường, Hưng khát khao đi dạy học, mơ trở thành cô giáo nhưng chưa có cơ may đứng trên bục giảng, đành đi dạy kèm kiếm ăn từng bữa toát mồng tơi, bỗng trở thành đối tượng hưởng thụ của tên côn đồ mất dạy.
Mở đầu tiểu thuyết là hai câu văn lạnh gáy, rét buốt đi suốt cùng tác phẩm: “Gần nhà hàng T&T sang trọng trên đường Nguyễn Khuyến, nơi tập trung những người có tiền đến để thưởng ngoạn, du hí, có một cô gái ra đi đêm qua. Đó là em.” Ra đi mãi mãi, nhưng giấc mơ giảng dạy cháy lên không nguôi trong trái tim nhiệt huyết khiến Hưng may mắn gặp một cụ già chỉ hướng để em tiếp tục công việc dạy học trò ở thế giới âm phủ. Từ đó, Hưng tiếp tục giấc mơ đứng lớp. Câu chuyện tưởng chừng kết thúc, nhưng không, Hưng như sống đâu đây qua giấc mơ nối tiếp giấc mơ trong những đêm dài dằng dặt, những ngày miên man, lờ mờ của Thân, người tình của nàng. Từng là người lính đầy dũng khí, nhưng Thân đành “bó tay” trước công việc được sắp đặt vô cảm; bất lực, buông xuôi trước những cuộc tranh giành lợi ích, những chán chường trước cảnh hối lộ, nịnh nọt, trai gái của những viên chức bất lương. Trong tâm thức ấy, Thân đánh rơi công việc đời thường khi nào không hay biết. Nhưng với Hưng, mối quan hệ vẫn nồng ấm ngay khi nàng đã rời cõi hồng trần. Từng con chữ, từng trang văn như một tiếng hú của trái tim chân thành, sáng chói.
Biểu tượng “màu trắng”, “màu hồng”, “khẩu súng”, “cây bút”, “lắp ghép” rã rời xuất hiện, lặp lại nhiều lần như ma ám, hay vũ khí tùy thân , lại cũng là trò chơi số phận trong cõi vô thường.
Những nét nhòe của không gian, thời gian và các tính cách, cứ xen ngang, xuất hiện chập chùng làm cho bạn đọc muốn gấp lại trang sách, nhưng lại mở ra ngay như một thôi thúc đọc đến trang cuối để tìm lại một bóng hình nào đó.
Tác giả đã ném hàng chục nhân vật vào hoàn cảnh nghiệt ngã, dù đó chỉ là những giấc mơ, hay trò chơi sắp đặt. Người đọc dễ bắt gặp chất thơ trong tác phẩm khi trước đó tác giả là nhà thơ lại nhảy “sang ngang” tiểu thuyết:
“Những đám mây trắng,
những đám mây trắng ngủ dưới thành phố này,
ngủ trần truồng cùng ta ca hát no say.
chẳng còn con chó dại
chẳng còn bọn ma cô
chẳng có lũ giết người,
những đám mây trắng hiện ra
biến mất
như tình ta
biến mất
hiện ra
tháng ngày mây trắng bay…”
Tôi là ai, là Thân, là em, là anh, là bạn, hay là “Một trò chơi người”? Hình như thơ ca đã đốt tác giả thành những trang văn thấm đẫm nhân tình, đó cũng là thái độ khước từ để vươn xa hơn.
Cõi hồng vừa xuất hiện như một trò chơi trong sân chơi rộng lớn, có thể hợp với lớp người này nhưng cũng khó gần với lớp người kia. Dẫu sao thì đây cũng là trò chơi thú vị trong chặng đường tiếp theo của tác giả.
Theo dutule.com

Posted in 06. Giới thiệu sách, Bùi Minh Vũ | Leave a Comment »

MƯA HOANG NỖI NHỚ LẶNG THẦM

Posted by admintnqn trên 20/07/2017

“MƯA HOANG” NỖI NHỚ LẶNG THẦM
Thạc sĩ Lê Việt Thuyền
Có người nói văn xuôi là gạo thổi thành cơm, còn thơ ca là gạo đã chưng cất thành rượu, có phải vì thế mà ở thơ luôn có độ nồng dễ khiến người ta say trong men cảm xúc? Thơ xuất phát từ chính trái tim với những bất chợt vui buồn, sinh sôi nảy nở từ tình yêu và đơm bông kết nhụy từ tâm hồn. Để nhào nặn nên một tác phẩm thơ không phải là việc dễ dàng, người cầm bút bao giờ cũng chứa đựng trong đó một nỗi niềm, một suy tư, và hơn hết đó là sự rung cảm đích thực của trái tim mình.
Thơ đồng hành cùng cuộc sống khổ đau hạnh phúc giữa đời thường. Thử tưởng tượng một ngày thế gian này không có thơ, con người sẽ thấy mình tẻ nhạt, lạnh lùng biết mấy, tôi chợt nhận ra điều này khi cầm trên tay tập “Mưa hoang” của nhà thơ Hà Quảng. Một tập thơ dạt dào cảm xúc của một con người đã đi qua nửa chặng của cuộc đời, nếm trải bao nhiêu là sân si hỷ nộ, và có chăng đã đến lúc “dừng chân” để hoài niệm. Là một nhà thơ kín tiếng, cùng một lối sống bình dị nhưng Hà Quảng lại có một tình yêu thơ vô cùng mãnh liệt.“Mưa hoang” cũng giống như cuộc phiêu du kiếm tìm mà ở đó nhà thơ lục lọi trong ngăn ký ức những nỗi nhớ về quê hương và tuổi trẻ.
Không phải đi đâu xa, sinh sống ở chính nơi mình sinh ra nhưng Hà Quảng luôn có những vần thơ về nỗi nhớ quê hương, trái tim nhà thơ luôn khắc khoải về dòng sông Vệ hiền hòa, dòng sông Vệ của ngày xưa và cho đến bây giờ cứ mãi lăn tăn những con sóng lòng. Nó giống như một người bạn đồng hành cùng Hà Quảng trong những bước ngoặt, hay nói đúng hơn “những lần đầu tiên” của cuộc đời tác giả đều có sự hiện diện của con sông này, sông Vệ cứ lặng lẽ, âm thầm đi bên đời nhà thơ, có chăng chỉ có thi sĩ lớn lên vô tình, đánh rơi ký ức, để rồi một ngày bỗng nhiên có một cơn “mưa hoang” đi ngang qua mang bao nỗi da diết.
Tất cả cứ “theo gió đi về”.“Bãi bắp ngày xưa cha xẻ hàng gieo hạt/ Lá lên xanh nhịp võng trưa hè”[1] trong buổi “Chiều sông quê” cứ mãi thổn thức trong hoài niệm. Ai cũng có tuổi thơ, và tuổi thơ của Hà Quảng cũng như bao nhiêu tuổi thơ của những người cùng thời, là lớp học trường làng, là tiếng sáo diều, là lũy tre, là hoa ngọc lan,… cái tuổi thơ đẹp đúng nghĩa như tên gọi của nó, nhiều khi những người trẻ như chúng tôi bây giờ có chút chạnh lòng về hai tiếng “tuổi thơ” ấy. Đi qua những tháng ngày trong trẻo có chút ngây dại, bỗng một ngày con tim chợt trở nên lạc nhịp, bồi hồi đến lạ, xuyến xao đến lạ,phải chăng đã đến lúc hơi thở của tuổi trẻ và tình yêu bắt đầu hòa nhịp. “Em của ngày – thuở còn đi học” làm “anh” luyến lưu mãi tận sau này, “Mái đầu anh bao nhiêu sợi bạc/ Vẫn thương hoài ngày ấy mưa rơi…”[2], cái ngày mà “Anh không dám nói lời yêu/ bao điều mong manh như gió/ Em không dám nói lời yêu/ Sông Vệ trôi lặng lẽ đôi bờ”[3]. Người ta nói “mối tình đầu như dấu chân trên cát/ bước thật nhẹ nhưng vết lại rất sâu” thật quả đúng với Hà Quảng, nhà thơ mãi kiếm tìm trong ngày xưa “Mái tóc của ai thời đi học/ về trong giấc mơ”.Mải miết đi tìm “Ngày xưa có người con gái/ Đợi anh sau buổi tan trường”[4], ánh mắt, vành môi, hương tóc vấn vương mãi hồn “anh”, để đến bây giờ vương vấn mãi hồn thơ.
“Anh” lớn lên mang theo mối tình đầu dang dở, cẩn thận cất vào ngăn ký ức, nhường chỗ cho hoài bão và mộng mơ cuộc đời. Là “Mùa thu Hà Nội” khẽ qua “anh đánh rơi nỗi nhớ”, là “Quy Nhơn ngày về” “để bây giờ nhớ thương”, là “Một thoáng La Gi” “gửi nhớ thương vọng đến bây giờ”, là “Sài Gòn bất chợt” “gợi nỗi niềm yêu thương”, là “Mùa xuân Tây Trà” “cứ đong đầy nỗi nhớ chờ đợi em”,… “Anh” ra Bắc, “Anh” vào Nam, nơi đâu cũng tràn đầy nỗi nhớ. Hà Quảng thường vu vơ mà rằng: “Nỗi nhớ thật kỳ lạ/ không có hình/ không có ảnh/ mà chiều nay điên người”[5], “tình yêu sao lạ quá!/ không sắc vị mùi hương/ không ngải bùa mộng mị/ sao tơ lòng vấn vương?”[6], có chăng chỉ ông hoàng thơ tình Xuân Diệu mới nhìn thấu được nỗi nhớ của tình yêu “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!/ Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều/ Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt/ Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…”(Vì sao), còn với Hà Quảng, tình yêu và nỗi nhớ là những hình dung mơ hồ mà nhà thơ mải miết kiếm tìm.
Có những cơn mưa chợt đến rồi chợt đi, như cơn “mưa hoang” mong manh nhưng lại chứa đựng sức mạnh vô hình của cảm xúc. Người ta thường lắng lòng suy tư khi bỗng nhiên những cơn mưa bất chợt kéo ký ức về. Nỗi nhớ cũng như những cơn mưa ấy, ùa về bao nhiêu là kỷ niệm. Phải chăng, vì thế mà Hà Quảng gọi tập thơ này với cái tên “Mưa hoang”. Mỗi một bài thơ đều phảng phất tiếng lòng tác giả, đều nhuộm một màu thương nhớ. Đọc “Mưa hoang” có thể cảm nhận những năm tháng tuổi trẻ, tác giả đã sống hết mình với tình yêu, với những mộng ước cuộc đời. Dòng sông Vệ thân thương cùng tuổi thơ trong trẻo; hoài bão của tuổi trẻ cùng khát khao yêu thương, tất cả đã góp phần làm giàu thêm vốn thơ của Hà Quảng, giúp cho thơ ông chưa bao giờ vơi cạn nhiệt huyết thanh xuân. Tôi yêu những câu thơ chân thật, gần gũi đến dung dị, yêu tình cảm giản đơn mà tác giả gửi vào thơ, và hơn hết, tôi hiểu rằng với Hà Quảng, thơ giống như một người bạn tri kỷ để hiểu mình và hiểu đời.
Nói như nhà thơ Mai Bá Ấn, thơ của Hà Quảng luôn “có cớ”, và phải thừa nhận rằng “cái cớ” trong “Mưa hoang” rất duyên, đó là cái cớ của nỗi nhớ hòa trộn với cảm xúc thực tại để nhào nặn nên tập thơ này. Ai cũng có một góc khuất nhỏ bên trong tâm hồn, Hà Quảng cũng không nằm ngoài quy luật ấy, quê hương và tuổi trẻ đã chiếm trọn tâm hồn nhà thơ, bởi thế, dù đã có tuổi nhưng tác giả vẫn luôn tuôn trào những câu thơ yêu đời, luôn trân trọng cuộc đời, vì nhà thơ hiểu rằng “một năm trôi qua ta già thêm một chút/ một chút thôi cũng đủ thấy bao điều/ cuộc đời này biết mấy thương yêu!”[7].
—————————–

Posted in 06. Giới thiệu sách, Hà Quảng | Leave a Comment »