Thi Nhân Quảng Ngãi

Ngó lên Thiên Ấn nhiều tranh/ Liều mình lén mẹ theo anh phen này

  • Welcome to Thi Nhân Quảng Ngãi!

  • Hân hạnh chào đón quý độc giả ghé thăm. Trang này không có tính chất "đại diện" về bất kỳ ý nghĩa nào cho bất cứ địa phương hay tổ chức nào, đây chỉ là nơi đưa một số bài thơ của một số tác giả lên mạng internet. Hầu hết tác giả trong trang này là người Quảng Ngãi nhưng hoàn toàn không phải hầu hết người Quảng Ngãi làm thơ có trong trang này. Chân thành cảm ơn quý độc giả, tác giả cũng như các bạn bè thân hữu đã gởi bài, giúp trang này ngày càng có nhiều bài vở tư liệu.

  • Giới thiệu sách

  • Phiêu Lãng Ca

    Lưu Lãng Khách

  • Về Chốn Thư Hiên

    Trần Trọng Cát Tường

  • thao thức

    hà quảng

  • bài ca con dế lửa

    nguyễn ngọc hưng

  • 99 Bài Lục Bát

    Nguyễn Tấn On

  • Gieo Hạt

    Huỳnh Vân Hà

  • Quá Giang Thuyền Ngược

    Lâm Anh

  • n bài thơ ngắn

    Đinh Tấn Phước

  • Ảnh ngẫu nhiên

  • Tổng lượt xem

    • 591 161 Lượt

Chợ Chùa và chợ phiên Tam Bảo- Lê Hồng Khánh

Posted by thinhanquangngai1 trên 29/10/2011

CHỢ CHÙA VÀ CHỢ PHIÊN TAM BẢO

Tác giả: Lê Hồng Khánh
Hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

 

Ăn chanh chép miệng chua chua
Anh đưa em đến chợ Chùa xa xa
Mảng lo cha yếu mẹ già,
Đặt chân xuống đất con nhạn đà trở canh!

                (Ca dao Quảng Ngãi)

Chợ Chùa là tên gọi huyện lỵ huyện Nghĩa Hành, từ thời điểm sau Tháng Tám 1945. Đây vốn là một địa danh dân gian gắn liền với một ngôi chợ có tên là chợ Chùa. Từ 1945 đến nay, có một vài thời điểm huyện lỵ huyện Nghĩa Hành không nằm ở vị trí Chợ Chùa. Cụ thể là từ năm 1977 đến năm 1981, huyện Nghĩa Hành nhập với huyện Minh Long thành huyện Nghĩa Minh, thuộc tỉnh Nghĩa Bình (cũ), huyện lỵ đóng tại khu vực Phú Lâm, thuộc xã Hành Thiện; từ năm 1981, sau khi huyện Nghĩa Hành tái thành lập, huyện lỵ Nghĩa Hành đóng tại vùng đồi 68 trong vài năm rồi mới dời về Chợ Chùa như cũ.

Chợ phiên Tam Bảo (còn gọi là chợ Bảo), nguyên trước tọa lạc tại ấp Kim Thành, gần vị trí bảo/đồn Kim Thành, đồn chính của cơ Tư (nằm trong hệ thống Tĩnh man lục cơ thời nhà Nguyễn), nay là thôn Kim Thành, xã Hành Dũng.

Sự xuất hiện địa danh Chợ Chùa và chợ phiên Tam Bảo tại Nghĩa Hành là một hiện tượng độc đáo, cần được tìm hiểu nhiều hơn.

Chúng ta biết, vào thời Lê trung hưng ở vùng đồng bằng Đàng Ngoài xuất hiện một loại hình chợ gọi là chợ chùa hay chợ tam bảo (danh từ chung). Đây là các chợ họp tại sân hoặc bãi cạnh các ngôi chùa của làng (đất vua chùa làng), thu nhập từ chợ được đưa lại cho nhà chùa quản lý mà không phải nộp cho triều đình; đất đai xây dựng chợ thuộc quyền sở hữu của nhà chùa. Chợ chùa mang lại nhiều lợi ích cho địa phương, do đó nhiều làng muốn có chợ chùa hoặc chuyển chợ làng đã có thành chợ chùa. Muốn được như vậy, các làng phải có đơn lên phủ chúa Trịnh, thường phải nhờ người quyền thế nói giúp mới được chuẩn y. Có chợ chùa, địa phương họp chợ sẽ tránh được sự nhũng nhiễu của các quan lại bên trên, nhất là những  o ép về thuế cũng như các khoản nộp khác; đồng thời, họ có thu nhập để xây dựng, tu bổ chùa và làm những việc thiện tâm khác theo giáo lý từ bi, hướng thiện của nhà Phật. Qua các văn bia còn lưu lại, các nhà nghiên cứu xác nhận sự tồn tại của khá nhiều chợ chùa – chợ tam bảo trong thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII, nổi tiếng nhất là chợ Dâu – Thuận Thành, chợ chùa Tam Sơn – Từ Sơn. Chợ Tam Bảo ở xã Hoa Lâm – Từ Sơn ( đều thuộc tỉnh bắc Ninh); chợ chùa Đoan Minh – Việt Yên, chợ chùa Phúc Nghiêm – Yên Dũng, chợ chùa Phúc Quang – Việt Yên (đều thuộc tỉnh Bắc Giang); chợ chùa Đồng Đường – Kinh Môn, chợ Mão Điền – Cẩm Giàng (đều thuộc tỉnh Hải Dương); chợ Lực Thành –  An Hải (Hải Phòng); chợ chùa Vân Canh – Quốc Oai, chợ chùa Cao Xá –Thanh Oai, chợ chùa Bảo Quốc – Thường Tín (đều thuộc Hà Nội); chợ chùa Nghĩa Trang –  Hoằng Hóa, chợ chùa huyện Hậu Lộc (đều thuộc tỉnh Thanh Hóa); chợ Hương Cầu – Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh)…

Chợ chùa cũng tụ họp theo phiên và sôi động như các chợ làng, làm thay trách nhiệm của chợ làng, trở thành trung tâm giao lưu, trao đổi buôn bán của cộng đồng.

Ở nhiều nơi thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung bộ, cho đến đầu thế kỷ XIX, vẫn còn tồn tại nhiều chợ thuộc loại hình chợ chùa, chợ tam bảo.

Mở rộng phạm vi khảo sát, chúng ta lại thấy có sự xuất hiện chợ chùa Xuân Trung (xã Tam Quang, huyện Núi Thành), chợ chùa thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên, nằm gần chùa Hưng Phước), đều thuộc tỉnh Quảng Nam. Địa danh chợ chùa còn xuất hiện tận miền tây Nam bộ, đó là chợ chùa Bà Chúa Xứ thuộc khu vực núi Sam, xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Một vấn đề đặt ra là: Có gì khác nhau và giống nhau giữa các “chợ chùa” ở Đàng Ngoài và những chợ chùa ở Đàng  Trong? Điểm giống nhau rất dễ nhận thấy là các chợ nầy đều họp trong sân, hoặc gần một ngôi chùa nào đó và trở thành trung tâm giao lưu, trao đổi, buôn bán của cả vùng. Ở Đàng Trong có khi chợ không  nằm gần một ngôi chùa mà là gần một đền hoặc miếu nào đó, nhưng người vùng nầy nhiều khi gọi gộp cả chùa đền, miếu vào chung một từ “chùa”. Chùa Ông ở Thu Xà (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) thực ra là đền thờ Quan Vân Trường; chùa bà Chúa Xứ ở Châu Đốc (An Giang) là miếu thờ Bà Chúa Xứ núi Sam. Tuy nhiên, điểm khác nhau căn bản là ở những ngôi chợ có tên là “chợ Chùa”, cũng như hầu hết những ngôi chợ khác ở Đàng Trong, nhà chùa đều không can dự đến việc quản lý tài sản và thu nhập từ chợ.

Trở lại với trường hợp chợ Chùa ở Nghĩa Hành, theo cụ bà Nguyễn Thị Ngọc (sinh năm 1920) người xã Hành Đức, lấy chồng về khu vực Phú Bình (nay thuộc thị trấn chợ Chùa) năm 17 tuổi (1936), thì ngôi chợ tụ họp ở địa điểm hiện nay và mang tên “chợ Chùa” từ trước năm 1945. Chợ đông hàng ngày, vào các buổi sáng, thuế chợ do chính quyền địa phương thu góp. Trong thời gian 1947 – 1954, để tránh sự bắn phá của máy bay Pháp, chợ nhiều lần thay đổi địa điểm và thời gian họp, nhưng vẫn xoay quanh khu vực Phú Vinh, Phú Bình, tức là vùng lân cận huyện lỵ. Từ năm 1954 đến nay, chợ họp trở lại địa điểm ban đầu và ngày càng phồn thịnh. Hiện phía trước cổng chợ có một ngôi miếu nhỏ. Theo nhiều người, ngôi miếu nầy có thể là phần còn lại của một ngôi chùa, hoặc miếu có quy mô lớn hơn, đã đổ nát từ lâu. Tên gọi chợ chùa có nguồn gốc từ đây chăng?

Chợ Chùa mà chẳng thấy chùa đâu, nên mới có câu ca dân gian:

Chợ Chùa mà chẳng có chùa
Có ông góp chợ làm vua cả ngày.

Về mặt ngôn ngữ, chúng ta cần lưu ý, hiện nay có 2 địa danh khác nhau, nhưng lại có liên hệ mật thiết: một là “chợ Chùa”, chỉ một ngôi chợ nằm ở trung tâm huyện lỵ Nghĩa Hành; và hai là thị trấn Chợ Chùa (địa danh hành chính) – huyện lỵ của huyện Nghĩa Hành. Ở trường hợp thứ nhất “chợ” là một danh từ chung kết hợp với thành tố “chùa” để trở thành tổ hợp danh từ riêng “chợ Chùa” theo một  hình thái cú pháp quen thuộc của tiếng Việt “bị định ngữ + định ngữ”, trong đó chợ là “bị định ngữ” còn chùa là “định ngữ”. Với trường hợp thứ 2, Chợ Chùa cũng là một danh từ riêng (tên của thị trấn huyện lỵ huyện Nghĩa Hành), gồm hai thành tố cấu tạo đồng đẳng. Trong trường hợp sau, theo quy ước viết hoa của tiếng Việt phổ biến (trong nước) hiện nay, cả hai từ tố Chợ và Chùa đều được viết hoa; còn ở trường hợp đầu, người ta chỉ viết hoa chữ “Chùa”. Xét về mặt lịch đại, địa danh thị trấn Chợ Chùa xuất hiện muộn hơn và có nguồn gốc từ địa danh chợ Chùa. Về mặt không gian, thị trấn Chợ Chùa là một không gian cụ thể, có ranh giới pháp định thể hiện trên bản đồ hành chính; còn chợ Chùa vừa chỉ một ngôi chợ (không gian tương đối xác định) vừa chỉ một vùng không gian cư trú không xác định rõ ràng, gắn với trung tâm là ngôi chợ.

Chợ phiên Tam Bảo cũng là một địa danh mang trong nó nhiều câu chuyện lịch sử thú vị. Trước hết, cần đính chính sự nhầm lẫn của nhiều người, nhiều đoàn khảo sát, khi mặc nhiên cho rằng địa điểm chợ phiên hiện nay (thuộc thôn An Hòa, xã Hành Dũng) vốn là chợ phiên Tam Bảo ngày trước. Sự thật, ngôi chợ hiện ở thôn An Hòa được gọi là “chợ phiên mới”, còn chợ phiên có tên Tam Bảo nằm ở vị trí nay là thôn Kim Thành, như đã nói trên.

Cũng như chợ Chùa, khoảng những năm 1947 – 1953, chợ phiên Tam Bảo phải nhiều lần di chuyển (quanh khu vực các xã Hành Nhân, Hành Dũng ngày nay) để tránh máy bay Pháp, trong đó có một thời gian dài chợ dời đến “Đám tre ông Cang”, gần sông Phước Giang, họp vào ban đêm. Lần dời cuối cùng là về địa điểm hiện nay, thuộc thôn An Hòa, xã Hành Dũng.

Xét về từ nguyên, chữ bảo ở đây có nghĩa là “thành lũy đắp bằng đất”[1], không phải bảo nghĩa là “quý báu”. Hai ngôi chợ nổi tiếng, cùng nằm trên địa bàn một huyện, có tên là “Chùa” và “Tam Bảo”, lại có sự đồng âm (dị nghĩa) giữa các từ Hán Việt “bảo” (thành lũy đắp bằng đất)  và “bảo” (quý báu) khiến không ít người ngộ nhận “tam bảo” ở đây là một từ gốc nhà Phật (Tam Bảo   Phật, Pháp, Tăng). Kỳ thực, cái tên chợ Tam Bảo ở Nghĩa Hành chẳng có gì liên hệ với nhà chùa.

Địa danh “chợ phiên Tam Bảo” xuất hiện muộn nhất là vào thời điểm trước năm 1933, khi tuần vũ Quảng Ngãi Nguyễn Bá Trác và cộng sự viết tập “Quảng Ngãi tỉnh chí” dâng lên vua Bảo Đại và sau đó cho in trên tạp chí Nam Phong. Trong mục “ Các đồn chánh của sáu cơ về Nghĩa Phòng” (thuộc Nghĩa Định sơn phòng), cuốn sách đó chép: “ Cơ tư đóng ở chợ Tam Bảo, tổng Hành Trung, huyện Nghĩa Hành”[2].

Sở dĩ có tên gọi Tam Bảo vì chợ nằm trong khu vực liền kề các bảo Kim Thành, Đèo Chim Hút và Rùm Đồn, nay cùng thuộc xã Hành Dũng. Chợ phiên Tam bảo họp 6 phiên trong một tháng, vào các ngày (âm lịch) mang số 2 và số 7 (mồng 2, 12, 22 và mồng 7, 17, 27). Bởi thế mà có câu ca dao:

Chợ Phiên ngày bảy, ngày hai
Không đi thì nhở đi hoài mỏi chân.

Ngày trước, chợ phiên Tam Bảo được liệt vào trong số các chợ phiên sầm uất nhất miền Tây tỉnh Quảng Ngãi. Tư thương người kinh từ miền xuôi lên họp chợ mang theo mắm, muối, nông cụ, các loại đồ gốm, chum, chóe, chiêng, vải vóc, dầu hỏa, đá lửa… để bán; người Hre miền ngược  gùi cõng  nông, thổ sản như  chè, đót, tre, mây song, mật ong đến chợ, bán cho người kinh chở về xuôi. Những sản phẩm nổi tiếng ở Quảng Ngãi như chè Minh Long, nón chợ Đình, đồ rèn Tịnh Minh (Sơn Tịnh), nước mắm An Chuẩn (Mộ Đức), cá chuồn Tổng Binh, đồ gốm Châu Ổ (Bình Sơn) là những mặt hàng quen thuộc  ở chợ phiên Tam Bảo. Câu ca dao sau đây phần nào cho thấy sự phồn thịnh của một ngôi chợ cùng giáp ranh miền xuôi, miền ngược ở vùng tây bắc tỉnh lỵ Quảng Ngãi:

Nhớ ai như nhớ Nghĩa Hành
Nhớ phiên Tam Bảo không đành không đi.

Chợ phiên  Tây Phước (xã Bình An, huyện Bình Sơn), chợ phiên Đồng Ké (xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh), chợ phiên Tam Bảo (xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành), chợ phiên Mộc Bài (huyện Hoài Ân, Bình Định) …đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quan hệ giao thương, trao đổi, mua bán giữa miền xuôi và miền ngược, giữa người thượng và người kinh, đồng thời là nơi cung cấp một số mặt hàng nông thổ sản có giá trị xuất ra ngoại tỉnh và nước ngoài. Nghiên cứu về hệ thống chợ phiên ở miền tây Quảng Ngãi là một hợp phần không thể thiếu trong việc nghiên cứu về Tĩnh man Trường Lũy[3].

LHK
Quảng Ngãi, tháng 10/2011.


[1] Nguyễn văn Khôn; Hán Việt từ điển; Khai Trí-  SG; 1960. Phiên âm Hán Việt và nghĩa chữ Hán trong bài viết chúng tôi theo cuốn từ điển nầy.

[2] Nguyễn Bá Trác (chủ trương); Quảng Ngãi tỉnh chí (In trên Nam Phong tạp chí  số 183; tháng 4/1933 – Sơn Phòng, lịch sử bảo hộ.

[3] Để hoàn thành bài viết nầy, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ quý báu về tư liệu của cụ bà Nguyễn Thị Ngọc và nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng (cùng ở thị trần Chợ Chùa, Nghĩa Hành), ông Đoàn Pháp Luật (xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành), ông Tô Văn Năm (GĐ TTVHTT huyện Bình Sơn), nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng (Sở TT&TT Bình Định), nhà thơ Phùng Tấn Đông (Trung tâm Văn hóa tp Hội An); nhân đây xin được gởi lời cảm tạ chân thành đến các vị. (LHK).

4 bình luận to “Chợ Chùa và chợ phiên Tam Bảo- Lê Hồng Khánh”

  1. […] Trích nguồn: … […]

  2. cao văn vĩnh said

    Thiệt may và cũng thiêt không may khi tới bây giờ tôi mới được biết trang này! Cảm ơn tác giả Lê Hồng Khánh!

  3. Tuệ Tuệ said

    Cảm ơn Lê Hồng Khánh đã viết về quê hương của mình. Đọc bài viết, nhớ Cha nhớ Mẹ vô vàn.

  4. Bài viết rất hay, rất xuất sắc, đã đưa cho người ta nhiều thông tin quý báu về phiên Tam bảo và Chựo Chùa, những địa danh đã đi vào lòng người Quảng Ngãi nhiều thế hệ xưa và nay….

Bình luận về bài viết này