Thi Nhân Quảng Ngãi

Ngó lên Thiên Ấn nhiều tranh/ Liều mình lén mẹ theo anh phen này

  • Welcome to Thi Nhân Quảng Ngãi!

  • Hân hạnh chào đón quý độc giả ghé thăm. Trang này không có tính chất "đại diện" về bất kỳ ý nghĩa nào cho bất cứ địa phương hay tổ chức nào, đây chỉ là nơi đưa một số bài thơ của một số tác giả lên mạng internet. Hầu hết tác giả trong trang này là người Quảng Ngãi nhưng hoàn toàn không phải hầu hết người Quảng Ngãi làm thơ có trong trang này. Chân thành cảm ơn quý độc giả, tác giả cũng như các bạn bè thân hữu đã gởi bài, giúp trang này ngày càng có nhiều bài vở tư liệu.

  • Giới thiệu sách

  • Phiêu Lãng Ca

    Lưu Lãng Khách

  • Về Chốn Thư Hiên

    Trần Trọng Cát Tường

  • thao thức

    hà quảng

  • bài ca con dế lửa

    nguyễn ngọc hưng

  • 99 Bài Lục Bát

    Nguyễn Tấn On

  • Gieo Hạt

    Huỳnh Vân Hà

  • Quá Giang Thuyền Ngược

    Lâm Anh

  • n bài thơ ngắn

    Đinh Tấn Phước

  • Ảnh ngẫu nhiên

  • Tổng lượt xem

    • 590 927 Lượt

Mộng Đài- Cuộc đời và thơ

Posted by thinhanquangngai1 trên 01/08/2007

Nhà thơ Mộng Đài là bút danh của Trần Dũ Lương, tuổi Kỷ Mùi. Ông sinh ngày 15-10-1920 tại Xóm Vạn, Thu-Xà, Quảng-Ngãi. Ông là đường huynh của nhà văn Thinh-Quang. Ông là người tha-thiết với quê hương, thường có nhiều bài viết về quê-hương của mình như những lời tạ ơn với tiền nhân, như những chứng tích cùng thời và cùng quê với thi sĩ nổi tiếng Bích Khê.

Thuở thiếu thời.
Ông sinh ra trong một gia đình giàu có tại Xóm Vạn Thu-Xà, một thị-trấn sầm-uất, tàu bè ngoại quốc hay ghé qua buôn bán tập nập. Thân sinh là cụ Trần Thời Trung, người điềm đạm và thân mẫu là cụ Bà Lâm Thị nết na, xinh đẹp, rất cưng chiều ông vì ông là đứa con cầu tự. Từ khi bắt đầu đi học cho đến khi lên 10, ông luôn có người “cõng” đi học và cõng về dù rằng trường sơ học Thu-Xà không xa nhà.

Ông học hết bậc Trung học năm 1936 tại trường Providence ở Huế, sau đó theo học Trường Thương-Mại tại Quy-Nhơn. Vì gia-đình giàu có, ruộng “cò bay thẳng cánh”, ông Mộng Đài lại thích giang hồ lãng tử nên không dùng sở học để mưu sinh như thói thường.

Nếm mùi lãng tử.

Mùa Hè năm 1938, Mộng Đài xin phép song thân đi thăm Hà-Nội. Chàng công tử Xóm Vạn đã giao du với nhiều cây viết đàn anh xứ Bắc, trong đó có Thế Lữ. Những câu thơ và những lời khuyến khích của Thế Lữ như chất men làm tăng thêm nồng độ lãng tử có sẵn trong dòng máu của Mộng Đài:

“Rủ áo phong sương trên gác trọ
Lặng nhìn thiên hạ đón Xuân sang”.

Sau chuyến viễn du Hà Nội về, Mộng Đài quyết định ra đi. Nơi ông chọn không phải là Hà Nội mà là Sài Gòn.

Tháng ngày nhập cuộc với 2 tác phẩm “Chiều Xóm Vạn” và “Lỡ Lang”.
Bước vào đời năm 19 tuổi, bất chấp giao thông khó khăn của thời buổi 1939, ông đã dũng cảm vượt khỏi lũy tre xanh, những con thuyền buồm xóm Vạn, vào Sài Gòn và gia nhập ngay vào làng báo để thực hiện giấc mơ của mình.

Từ năm 1940, 1941, thơ Mộng Đài đã đăng tải trên các Tạp chí Tri-Tân, Tuần báo Trung-Bắc Tân-Văn, Tiểu-thuyết Thứ 7 (tại Hà-Nội), đồng thời với một số các báo khác ở Sài-Gòn. Ông Mộng Đài đã từng tâm sự trong Hồi ký đầu Xuân “Tôi đi xông Tết” như sau:

“Viết xong bài Xuân mang đưa cho thợ sắp chữ, lãnh một bao thư lớn, bên trong chứa hai phong bì: một lương tháng cuối năm và một, lương tháng thứ 13. Tổng cộng 60 đồng với một đồng bạc “gánh dưa” bỏ trong gói lì xì đỏ hình ba ông Phúc-Lộc-Thọ. Với khoảng tiền này riêng đối với cá nhân tôi thì quá nhiều, thừa thãi để ăn một cái Tết.

Đây là lần đầu tiên vào năm 1940, tôi nếm mùi xa nhà, xa quê hương để nhìn thiên hạ đón Xuân sang nơi đất khách quê người mà lòng buồn não nuột. Thật ra, tôi không phải… xa nhà vì lý do tha phương cầu thực (bởi lúc bấy giờ tôi có cần tiền đâu? – ruộng thì cò bay thẳng cánh, tiền thì quá ư đầy đủ) mà chỉ vì muốn nếm thử cái mùi của người lãng tử “Rũ áo phong sương nơi gác trọ, lặng nhìn thiên hạ đón Xuân sang” nó có thi vị như anh chàng Thế Lữ đã từng bảo tôi khi gặp nhau ở Hà Nội:

-“Chú mày cứ thử đi ắt sẽ biết cái phong sương nó như thể nào?”.

Và quả thật tôi ngây thơ… thực hiện qua lời khuyến cáo của các bậc đàn anh Diệp Văn Kỳ, Điển Võ và nhất là Phan Khôi cũng như Hoa Đường.

-“Thế Lữ hắn khuyên cậu thế mà đúng. Cứ ở lại đây ăn cái Tết tha hương một lần mới biết ý nghĩa của tiếng pháo đầu xuân như thế nào!”.

Tết năm 1940 là cái Tết đầu tiên xa nhà, ông Mộng Đài cùng ông Hoa Đường xuất hành xông đất đầu năm nhà Ông Bà Bút Trà, chủ-nhiệm nhật báo Sài-Gòn Mới. Ông tâm-sự tiếp:

-“… đến chúc Tết ông bà Bút Trà là phải ứng khẩu thành thơ mới được nhận tiền lì xì đầu năm lấy hên. Hoa Đường nói chuyện xui xẻo của tôi bởi tay “thợ đấm” đấm mất cái túi càn khôn, nên ông Bút Trà lấy ra một gói lì xì dày cọm hơn từ trong phòng ra nhìn tôi bảo:

-“Năm này xuất hành “Xừ Mạnh” – tên làng báo Sài Gòn thường gọi tôi như vậy – gặp ai đầu tiên?”.

Tôi đưa mắt chỉ cặp bài trùng Jean Baptist Đồng và Mười Thương bên tờ Tin Điển đáp lại:

-“Thưa, gặp được hai đàn anh đây từ trong động Tiên Nâu ra”.

-“Thế thì…tốt lắm! Nghe chú có tài ứng khẩu thành thi, chú cho ta cảnh này một bài… đầu năm cho vui ba ngày Tết”.

Tôi mỉm cười nhìn Jean Baptist Đồng và anh Mười Thương, đoạn cất giọng đọc ngay bài Tứ Tuyệt. Bài thơ vui ấy tôi còn nhớ như thế này:

“Thương Đồng năm tháng mãi đều vui
Sớm tối bên đèn cảnh cút cui.
Nạo óc bán văn đùa với khói
Xuân về nhớ xứ khó lòng nguôi”.

Bài thơ chỉ có thế mà ông chủ báo Bút Trà khen là hay đáo để bèn trao ngay gói lì xì để gọi là… một chút vui Xuân…”

Rồi phái đoàn xông đất đầu năm đến nhà Cụ Diệp Văn Kỳ, một cây viết lão thành đương thời:

“Sau khi cho phép Hoa Đường múa “Gioọc” (1) đầu năm, cụ Diệp quay lại nắm lấy tay tôi và bằng giọng thật ấm áp nói:

-“Xừ Mạnh đến với anh, anh chẳng biết chúc gì cho chú em mà chỉ có mỗi bài thơ này tặng nhau ngày Xuân”.

Rồi cụ Diệp cất tiếng cao ngâm bài thơ ứng khẩu ấy như sau:

Cái kiếp trần duyên, kiếp đọa đày
Non Tiên sao khéo lạc loài đây?!
Trớ trêu thu thủy hoa in nguyệt
Đỏng đảnh Xuân Tiêu liễu vẽ mày
Sóng sắc lập lòe con nước động
Gió hương phưởng phất cánh hoa lay.
Trông em khó nổi vô tình được
Mượn bút làm duyên để giải khuây.

Ngâm xong cụ lấy bút viết ngay vào tờ giấy đoạn vào
phòng trong bỏ trong phong bì đỏ ra trao tôi:

-“Bài thơ này tặng em. Ý tứ của bài thơ thì em về chiêm nghiệm lấy”.
Đêm hôm ấy tôi về đến nhà, mở ra để đọc lại cho vui. Không ngờ ngoài tờ thơ cụ viết, cụ còn để ngay ngắn tờ “Con Công” năm đồng ngay trong phong bì để lì xì cùng mấy chữ ngoằn ngoèo trong tờ giấy đỏ:

“Cho người em cưng nhất của ta”. Cụ ký vào bên dưới”.

Tuy còn ít tuổi song Mộng Đài lại sớm kết thân với các nhà báo đàn anh kỳ cựu đương thời bấy giờ như Diệp Văn Kỳ, Điển Võ (người Vạn Tượng, Quảng Ngãi), Phan Khôi, Viên Hoành, Tế Xuyên, Hoa Đường, Bích Khê (Thu Xà, Quảng Ngãi), Hà Mặc Tử, Hồng Tiêu…

Theo sự tiết lộ của nhà văn Thinh Quang thì Hàn Mặc Tử theo thân phụ làm thuế Douane sống khá lâu ở Quảng Ngãi và là bạn thân của nhà thơ Bích Khê. Những bài báo đầu tiên, Mộng Đài lấy bút hiều là Hồng Tâm nhưng ở chỗ thâm tình nên Bích Khê đã đổi bút hiệu của Trần Dũ Lương là Mộng Đài vì cô cháu gọi Bích Khê bằng cậu ruột là nữ sĩ Mộng Cầm (bà Nghệ). Vì chỗ giao du thâm tình với Bích Khê và đã sống lâu ở Quảng Ngãi nên Hàn Mặc Tử đã gặp và yêu Mộng Cầm ở xóm Vạn. Ông Mộng Đài là biên-tập-viên của nhật báo Sài-Gòn Mới của bà Bút Trà.

Đến năm 1942, ông chủ trương xuất bản một tờ nhật báo nhưng bất thành. Buồn chí, ông trở về Thu Xà. Đến năm 1943, vì cái “nghiệp văn chương” nên ông lại đưa Thinh Quang, đường dệ của ông vào Sài Gòn để điều hành tờ Dân báo và tờ tuần báo Thanh Niên Đông Pháp theo lời mời của Trần Văn Hanh, giám đốc nhà xuất bản Tín Đức Thư Xã. Đã một thời, dù rất còn trẻ, Mộng Đài đã tung hoành trên đất Sài Gòn. Nơi ông tạm trú, theo ông vẫn chỉ là một căn gác không cao, không thấp mà cũng không lớn không nhỏ cùng với người bạn thân là ký giả kiêm nhà thơ Hoa Đường. Thời gian ở Sài Gòn, Mộng Đài đã cho xuất bản 2 tác phẩm:

– Chiều Xóm Vạn (thơ) 1941
– Lỡ làng (thơ) 1942.

Cách mạng tháng 8-1945 bùng nổ, những hòm rương những tủ sách vở báo chí đều buộc tội là thực dân phong kiến nên đã bị tịch thu và thiêu hủy toàn bộ. Mộng Đài vô cùng đau buồn và than thở, như một lời chia xa Sài Gòn, vĩnh biệt người anh cả Diệp Văn Kỳ như chính ông cũng sẽ vĩnh biệt cái nghiệp làm báo của mình. Ông viết:

-“Nhìn tờ giấy bạc cùng đống sách báo bị đốt xong, tôi lặng lẽ trở về phòng nằm. Hai dòng lệ từ từ lăn tròn trên đôi má. Tôi khóc. Tôi khóc vì bao nhiêu hòm rương sách vở chất chứa những kỷ niệm vui buồn trong cuộc đời làm báo bị thiêu hủy thì ít, mà vì tờ bạc “Con Công” trong đó có hơi hám của cụ Diệp Văn Kỳ – thì nhiều… Giờ thì anh đã ra người thiên cổ… Con hạc vàng đã vỗ cánh bay xa…”.

Mộng Đài trở về lại Thu Xà sống cuộc đời ẩn dật suốt 7 năm trong vòng Việt Minh kháng chiến.

Đến năm 1952, Mộng Đài bỏ Xóm Vạn Thu-Xà thuộc Liên Khu 5, trốn ra Thái Phiên (Tourane) tiếp quản một sự nghiệp buôn bán to lớn và giàu có vào bậc nhất của thân phụ ông vào thời lúc nầy. Cụ Trần Thời Trung tục danh là Má Chín (mại bản-Compradore), là thân phụ của Mộng Đài đã khởi nghiệp kinh doanh ở Tourane từ năm 1918.

Năm 1963, ông là Giám đốc Văn phòng Đại diện báo chí tại Vùng I chiến thuật đặt trên đường Trần Hưng đạo, Đà Nẵng. Năm 1970 – 1975, ông là Tổng Thư ký tuần báo Trường Sơn Đà Nẵng, Thinh Quang là Chủ nhiệm kiêm chủ bút. Năm 1973-1975, ông là Phụ tá Chủ nhiệm nhất báo Dân Luận cho đến ngày mất nước. Trong suốt thập niên 70 và ½ thập niên 87, ông cộng tác với báo Tin Mới, Tiếng Chuông, Điển Tín sau sau nầy là Tin Điển, Trắng Đen, Dân Nguyện, Tin Sớm…

Ông đã thừa hưởng gia tài của thân phụ ông là một trong những người giàu có bậc nhất ở Tourane (Đà Nẵng). Ông đã dùng phần lới tài sản ấy cho công việc làm văn học theo sở thích của mình. Nhà ông trở thành trung tâm đón tiếp các ký giả báo chí từ Sài Gòn đi công tác miền Trung.

Mộng Đài qua đời ngày 12-10-2004 tại San Jose, hưởng thọ 86 tuổi.

Thơ Mộng Đài.

Trở về thăm Thu Xà, thăm quê hương lần mới nhất 2002, tôi lại mang theo lời dặn dò của Mộng Đài: về thăm Xóm Vạn em nhé.

Từ Mộ Đức ra Thị xã chúng tôi đi tuột ngay xuống Thu Xà vì sợ bè bạn cũ cầm chân và vì muốn về thăm Thu Xà trong buổi chiều Thu để có thể tìm lại được Làng Em của Bích-Khê hay Bến Thuyền Xóm Vạn của Mộng-Đài và để kịp trở về trước khi trời tối. Trong đời tôi, tuy là quê hương nhưng đây là lần thứ 3 về thăm Thu Xà. Lần đầu tiên, mùa Hè 1953, khi còn là cậu học trò nhỏ của lớp 5 trường Trung học Mộ Đức 2. Lần thứ 2, năm 1969, là giáo sư hướng dẫn lớp 10 B1 của trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi, tôi hướng dẫn các em thăm thành phố cổ Thu Xà, thăm Chùa Ông, một di tích lịch sử của Quảng Ngãi. Thăm Thu Xà lần nầy cách lần đầu gần 50 năm.

Thời gian đủ chi trả cho 2 cuộc chiến và 1 cuộc hòa bình. Thời gian đủ để chia cắt đất nước và phân chia ý thức hệ… Quê hương chúng tôi, quê hương của 2 nhà thơ Bích Khê và Mộng Đài đã thay đổi dữ dội từ sự tàn phá “tiêu thổ kháng chiến”, từ bom đạn và từ xây dựng…Nhưng chiều nay, tất cả đều như ngưng đọng!

Tôi thấy mình đang đi trong tiết Thu, trong khí hậu của nhà thơ Mộng Đài trên bến thuyền Xóm Vạn:

“Anh tiễn đưa em tận bến thuyền
Ngập ngừng như thể buổi giao duyên
Mùa Thu năm ấy vàng thu rực
Anh tưởng đâu mình lạc lối tiên!”

Một bức tranh thủy mạc tuyệt vời! Cái hình ảnh tiễn người yêu ra tận bến thuyền nó e ấp, nó bịn rịn làm sao. “Ngập ngừng như thể buổi giao duyên”! và càng lộng lẫy, càng hoành tráng hơn với “mùa Thu năm ấy vàng Thu rực”.

Nhưng làm sao để có thể xác định phần nào cái hoành tráng, cái nên thơ, cái lấy từ đất thơ, từ tiếng thơ của Mộng Đài.

Chúng ta phải dùng thước để đo một vật thể, hoặc giả chúng ta phải đặt một vật muốn đo bên cạnh một vật thông dụng nào khác. Muốn biết chiều cao của thơ Mộng Đài, chúng ta thử đặt những bài thơ ấy bên cạnh những bài thơ, hoặc những câu thơ khá nổi tiếng của nhà thơ Bích Khê. Mộng Đài cũng như Bích Khê, sinh ra và lớn lên ở tại phố nhỏ Thu Xà – chịu ảnh hưởng của phong thủy, địa lý – nơi có giòng sông Vực Hồng đầy thơ mộng. Mùa Thu, sông vàng cả màu trăng, vàng cả cây lá và vàng cả thơ… nên lời thơ thật buồn, nhưng là buồn cái buồn của mộng mơ, cái buồn thật thơ, thật mộng mà nhà thơ Mộng Đài đã nói lên được những nét đặc thù ấy:

“Mùa Thu, buồn lắm Thu ơi
Mênh mông vàng chảy khắp nơi nỗi buồn
Vàng rơi ngập cả phố phường
Nổi trôi vàng chảy theo giòng Hồng giang
Vàng trôi theo cả đò ngang
Điểm tô cho áo của nàng thắm thêm…”
(Vàng Thu)

Như Khổng Đức nói: Nếu bảo trong thơ Hàn Mặc Tử hay đề cập đến trăng, thì Bích Khê hay nói đến Thu, mùa Thu:

Trăng gây vàng, vàng càng lên sắc trắng
Lửa hồ thu đi lạc ở trong mơ.
(Mộng Cầm ca).

Thu với Bích Khê thì thật tuyệt vời. Dè dặt từ buổi đầu xa xưa như Hoài Thanh cũng phải khẳng định trong Thi Nhân Việt Nam: “Tôi đã gặp trong Tinh Huyết những câu thơ hay vào bực nhất trong thơ Việt Nam”:

Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông.

Đúng là những câu thơ tuyệt tác được hái từ một vườn thơ, một xứ sở của thơ, một thế giới thơ. Thế giới nầy không có trấn áp, không có kỳ thị, không có phe đảng. Đây là thế giới của tự do, của dân chủ, của công bằng tuyệt đối. Không cần biểu tình, đòi hỏi Bích Khê vẫn có chỗ đứng vững chắc, không thể lãng quên!

Mộng Đài thì thật dễ thương, vừa ngây thơ, mà duyên dáng, mùa Thu đầy ắp cả Tình lẫn Mộng rãi rác trong tập Lỡ Làng (1942):

Thu về đẹp lắm em ơi
Mộng tình vàng cả đất trời trăng sao!
Đêm nằm mơ thấy chiêm bao
Em cầm tay hỏi làm sao trọn nguyền?!
(Làm sao)

Khổng Đức tự hỏi: “Bích Khê nặng lòng với quê hương ư?” Rồi cũng tự trả lời qua sự nhận xét của mình: “Thì cũng đúng, nhưng còn hơn thế nữa kìa, vì theo cái nhà “tâm lý học miền sâu” (Psychologie des profondres), đó là một hiện tượng con người luôn luôn trở về nguồn (besoin de retour au sein maternel). Quê hương hay đất mẹ cũng là mẹ đó thôi”. Và cũng Khổng Đức đã nói về Bích Khê: “… nó thể hiện bằng những hình ảnh tượng trưng, nó biến thái, nó thăng hoa khó nhận ra đấy. Nó cũng mang dấu ấn tình cảm, cảm xúc…Bích Khê là nhà thơ, hẵn nhạy cảm hơn ai hết thì trên quê hương không nặng trĩu trong lòng để biến hình thành Thu như Thu với nắng vàng, trăng ngọc, kim cương sao?”.

Mộng Đài đâu có khác gì Bích Khê, có khi còn đậm đà hơn, in rõ nét vàng thu hơn trong bài: Chiều Xóm Vạn.:

Ai có về chơi chiều xóm Vạn
Nhớ trong khói xám ấp mây vàng
Hương cau thơm phức bên bờ giếng
Hàng liễu bơ phờ rủ lá xanh…

Thật tuyệt vời! Chỉ cần đọc mỗi 4 câu nầy của Mộng Đài như thể ta đang đứng ngẫn ngơ nhìn bức tranh thủy mạc của người xưa vẽ lên cảnh quê mà chúng ta không thể nào chê được. Hay một bức tranh quê khác Mộng Đài đã tả hình bóng người thôn nữ có mái tóc óng ả, dáng vẻ dịu dàng, ngây thơ đang cười vui vo gạo dưới mái hiên nhà:

“Cỏ hé lòng trinh sực nức hương
Có nàng thôn nữ hát trong vườn
Cười vui bên mái tay vo gạo
Óng ả, ngây thơ, dáng dịu dàng…”

Thỉnh thoảng ta bắt gặp Mộng Đài như thể chịu ảnh hưởng của Nguyễn Bính – một nhà thơ đàn anh- nhà thơ lớn nổi tiếng thời bấy giờ. Nguyễn Bính mang nặng sắc thái u buồn – biểu trưng cho một chàng trai quanh năm sống trong cảnh bun lầy nước đọng sau lũy tre xanh:

“Em ơi! Em ở lại nhà
Vườn dâu em hái, mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa…”

Hay:

“Chuyến nầy chị bước sang ngang
Là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây”.

Mộng Đài cũng có bài thơ “Lỡ Làng’, thoạt đầu người đọc có cảm tưởng ông đã chịu ảnh hưởng ít nhiều của nhà thơ Nguyễn Bính:

“Tai nghe tiếng nổ pháo hồng
Tiễn cô thôn nữ sang sông lấy chồng
Cô đi trong khói pháo nồng
Cô mang theo cả những dòng yêu thương
Hồn cô lẫn lộn mười
Tình cô bối rối trăm đường biết sao?
Dù cho chuyện đến thế nào
Thì cô cũng đã phụ vào tình xưa…
Riêng cô trong dạ xót xa
Gượng theo người ấy chẳng là người yêu
Rồi đây gió sớm sương chiều
Không người ấp ủ những điều nhớ nhung
Rồi đây mưa gió não nùng
Kề bên người lạ dệt chung mộng vàng
Giờ đây là bước sang ngang
Đã đem vùi dập đoạn đàng thơ ngây
Nhìn cô khóe mắt lệ ray
Khóc người hay tiếc đứt dây tơ hồng!”.

Thật sự, nhà thơ Mộng Đài có chất thơ riêng biệt của mình:

“Mờ mịt chiều đi trong gió lạnh
Ngày tàn lặng đậu mái nhà tranh
Khói lam phơ phất trong sương dục
Nghe vọng từ đâu khúc trữ tình!”.

Mộng Đài đúng là một nhà thơ sầu mộng. Ông yêu những buổi sáng bình minh với những hạt sương mai lấp lánh trên cành. Ông yêu những áng mây hồng, mây trắng lững lờ ở lưng trời…và nhất là hình ảnh những buổi hoàng hôn khi vàng vọt, nhưng chính đó, theo lời ông bảo đó là hình ảnh đẹp nhất – riêng với tôi:

“Chiều khép lại rồi lữ khách mơ
Hoàng hôn say nắng ghé trai tơ”
(Bóng hoàng hôn)

hay:

Chuông chiều vọng tiếng đâu dang
Nhà sư thúc dục báo ngày sắp xa
Hương vương nương khóm tre già
Đàn chim ngơ ngác bay qua bãi dừa…
(Chuông chiều)

Trong những năm tháng kể từ ngày ra hải ngoại, trong bài Tự gẫm, ông đã viết lên những câu thật xuất thần:

“Trở mình bấm đốt ngón tay
Càng khôn Xuân nữa mới đầy tám mươi
Hé môi chưa hết nụ cười
Đã nghe nặng trĩu tuổi đời hoằng vai
Càn khôn bọc một túi đầy
Lưng đeo vũ trụ chân cài trăng sao
Vườn lan cánh én xôn xao
Tưởng chừng ai đó chiêm bao hiện về.
(Xuân Đinh Sửu 1997)

Đầu năm 2004, khi trên giường bệnh, ông còn đọc cho Thinh Quang – đường đệ của ông – nghe bài mượn lời thơ của Tống Chi Vấn trong bài Bạch đầu ông – để gởi gắm tâm sự mình:

“Hoa đào, mận thành đông rộ nở
Bay lại qua biết đổ nhà ai?
Lạc Dương cô gái xinh thay
Nhìn hoa rơi rụng đắng cay nỗi lòng!
Nay hoa rụng đâu còn sắc thắm
Sang năm rồi ai đắm tình hoa?
Bách tùng khô héo lúc nào
Ruộng dâu chừ đã rơi vào biển xanh!
Người xưa chốn đông thành đâu nữa?
Chỉ người nay lần lữa cùng hoa
Năm năm, tháng tháng trôi qua
Riêng người thì cứ bôn ba đổi đời.
“Khách má hồng nhớ lời ta gữi:
Bạch đầu ông an ủi thương cùng
Thương người đầu bạc răng long
Thuở xưa má phấn đồng trang lứa cùng
Công Tôn với các chàng công tử
Dưới hoa cùng ra rả đồng ca
Bên ao áo gấm thêu hoa
Thần tiên lầu đẹp vẽ ra bên tường
Buổi sáng liệt giường thọ bệnh
Bao Xuân rồi ai đến cùng nhau?
Mày ngài, mắt phụng bao lâu?
Chỉ trong khoảnh khắc mái đầu bạc phơ…
Nào nơi múa hát trẻ thơ?
Bóng hoàng hôn đổ nhạt nhòa cánh chim!”

Mộng Đài đã ghi lại dưới bài thơ:
Mượn ý nói về thân phận mình.
Trong những năm tháng còn lại trong cõi đời.
Làm lại thung lũng hoa vàng Xuân Giáp Thân 2004.

Như một người đã đạt được đạo, Bích Khê đã biết trước ngày từ giã cõi đời của mình 12 giờ khuya ngày Rằm tháng Chạp, ông đã sửa soạn cuộc hành trình của mình với 2 câu thơ:

“Châu vỡ thiên tài lai láng cả
Chết rồi khí phách của tôi đâu?”

Khổng Đức đã chỉ cái khí phách của nhà thơ bất hủ Bích Khê là Tinh Huyết, Tinh Hoa. Bích Khê đã phó thác hoàn toàn cho hậu thế.
Thi hào Nguyễn Du thì hỏi:

“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”

Tố Như thật khiêm nhường, không nói trước sự ra đi của mình mà đưa ra nghi vấn: chẳng biết 300 năm sau nữa, trong thiên hạ có ai nhỏ giọt lệ nào cho Tố Như chăng?.
Nhưng Mộng Đài thì như đã đoán trước được sắp phải lìa xa cõi đời nầy trước căn bệnh trầm kha của mình, ghi lại lời nhắn gởi như trăn trối:

“Nay hoa rụng đâu còn sắc thắm
Sang năm rồi ai đắm tình hoa?”.

Ai đắm tình hoa? Có chăng chỉ là những bạn thơ, những bạn mê thơ…và những người bạn hứa đi trọn con đường văn nghiệp…

Nguyễn Cao Can
Nguồn: quangngai.net

Chú thích:
(1)“Giọc” là giọc tẩu, ống hút thuốc phiện.

Bình luận về bài viết này