Thi Nhân Quảng Ngãi

Ngó lên Thiên Ấn nhiều tranh/ Liều mình lén mẹ theo anh phen này

  • Welcome to Thi Nhân Quảng Ngãi!

  • Hân hạnh chào đón quý độc giả ghé thăm. Trang này không có tính chất "đại diện" về bất kỳ ý nghĩa nào cho bất cứ địa phương hay tổ chức nào, đây chỉ là nơi đưa một số bài thơ của một số tác giả lên mạng internet. Hầu hết tác giả trong trang này là người Quảng Ngãi nhưng hoàn toàn không phải hầu hết người Quảng Ngãi làm thơ có trong trang này. Chân thành cảm ơn quý độc giả, tác giả cũng như các bạn bè thân hữu đã gởi bài, giúp trang này ngày càng có nhiều bài vở tư liệu.

  • Giới thiệu sách

  • Phiêu Lãng Ca

    Lưu Lãng Khách

  • Về Chốn Thư Hiên

    Trần Trọng Cát Tường

  • thao thức

    hà quảng

  • bài ca con dế lửa

    nguyễn ngọc hưng

  • 99 Bài Lục Bát

    Nguyễn Tấn On

  • Gieo Hạt

    Huỳnh Vân Hà

  • Quá Giang Thuyền Ngược

    Lâm Anh

  • n bài thơ ngắn

    Đinh Tấn Phước

  • Ảnh ngẫu nhiên

  • Tổng lượt xem

    • 590 873 Lượt

Mỹ Lai và những đứa trẻ mồ côi (phần 2)

Posted by thinhanquangngai1 trên 16/03/2010

Mỹ Lai và những đứa trẻ mồ côi (phần 2)

.Trần Văn Đức

PHẦN HAI
mylai5

Cũng cuối năm này tôi khó quên một sự việc, vì đến từ Sơn Mỹ nên tôi đi học trể hơn 2 năm, thể xác khá lớn so với các bạn cùng lớp thuở ấy. Một buổi chiều khắc sâu đậm trong tâm tôi, hôm đó lớp tôi tan học khoảng 12 giờ, về đến nhà cơm nước qua loa, gần 14 giờ tôi có mặt ở núi tranh, để tìm người thu hoạch củ lang đến mót, trời đổ mưa lâm râm nên không có ai đi đào củ cả, tôi cùng 2 bạn Định và Lên cứ than vãn và buồn bã, chúng tôi tạm xới lại những đám lang mà người ta đã thu hoạch tự hôm nào, kết quả quá ít ỏi, trời bắt đầu tối dần, tôi rủ 2 bạn về kẻo muộn, trên đoạn đường xuống núi, tôi phát hiện giữa đám tranh tươi tốt rậm rạp có một đám lang rất tốt, chúng tôi rẻ tranh đi vào và trông thấy thật nhiều củ lang, chúng ló ra vì bao trận mưa làm trôi hết đất, chúng tôi vội vàng lượm số củ lang ấy, thoáng chốc mỗi đứa thu nhập gần nữa bao đại hàn, chúng tôi định về thì thấy dưới chân núi có một thanh niên hớt hải cầm đòn gánh chạy lên, chúng tôi sợ quá tản ra bỏ trốn, tôi núp vào một góc của đám tranh, thế mà anh ta dể dàng phát hiện ra tôi do cây cuốc chỉa tôi chưa kịp để nằm xuống, cái cán nó cao hơn và ló ra khỏi lùm tranh, thế là anh ta lôi tôi ra đánh, anh dùng cái đòn gánh, mà anh sử dụng để quảy rau lang, đánh vào bụng, vào lưng và vai của tôi, dường như đến lúc tôi bị ngất nằm im thì anh mới hả cơn giận, sau trận đòn hơn 1 tuần tôi bị ốm rất nặng, không đi học, không đi làm được, cả thân tôi sưng lên và rất đau đớn. Tôi chỉ kể lại cho Chị Mỹ và Ngoại nghe một nửa sự việc, chị và Ngoại tôi rất giận anh ta, anh ấy ở sau nhà bà Bốn Thường, thôn An Lộc, nơi chị tôi đi ở, chị tôi gặp mặt anh ta thường mà, đến nay thỉnh thoảng tôi vẫn gặp anh trong những ngày về thăm quê, tôi vẫn chào nhưng anh ấy chưa lần nào đáp lại, chắc là anh còn cảm thấy lỡ tay khi ấy đánh tôi quá nặng. Tôi thấy có lỗi cho nên van xin và đưa hết số củ lang cùng dụng cụ của tôi cho anh, vậy mà tôi vẫn suýt chết với trận đòn của anh….

mylai6

… Đầu năm 1970, sau khi nhận tin Ba tôi mất khoảng 3 tuần, thì có 2 du kích từ Sơn Mỹ đến nhà Ngoại tôi vào ban đêm, một người chị em tôi quen lắm, con của ông bà Bốn Tương ở gần nhà tôi thôn Mỹ Lại. Họ nói với Ngoại tôi, muốn dẩn 3 chị em tôi trở lại Sơn Mỹ, rồi đưa 3 chị em tôi ra Bắc học, để sau này phục vụ công tác lên án giặc Mỹ. Ngoại tôi thẳng thừng từ chối, bà nói với họ, tôi không muốn mất luôn 3 đứa cháu thân yêu, may mắn lắm chúng nó mới sống sót được, hơn nữa thời gian nầy Sơn Mỹ hoặc miền Bắc chiến tranh khốc liệt lắm.
Đây là lần đầu tiên và duy nhất mà 3 chị em chúng tôi đón nhận được sự quan tâm, từ bấy đến giờ gần 40 năm rồi chúng tôi không có lời hỏi thăm nào nữa, dù chỉ 1 lần dự lể tưởng niệm 16.03. Tôi cảm thấy rất buồn, vì cũng rất nhiều nhà báo, phóng viên về Sơn Mỹ, họ chỉ làm việc cùng ban lãnh đạo nhà chứng tích Sơn Mỹ trong phòng kính mát mẽ khang trang hoặc một vài người sống sót mà hàng trăm lần họ nhắc đi nhắc lại….tại sao họ, chưa lần nào bước chân vào những căn nhà túng thiếu đủ bề của bao người may mắn còn sống sót ngày ấy, ngoài khu chứng tích? Như vậy tìm đâu ra được tính trung thực hoàn hảo của sự kiện. Mà lịch sử rất cần tính trung thực của nó, thiếu nó làm sao bảo tồn được tính nhân văn? Khi nhìn hình bà Nguyễn thị Tẩu nằm chết, miệng còn ngậm vành nón, chắc hẳn bao tên sát nhân sẽ nhận ra, tên lính nào đã bắn bà? Hoặc Ronald Haeberle sẽ biết điều đó và ắc hẳn họ sẽ kinh ngạc hơn, khi biết bà Nguyễn thị Tẩu đã cứu được 2 đứa con ở giây phút cuối đời, điều này không phải ai cũng làm được và càng kinh ngạc hơn, chỉ ở Tháp Canh dưới đống xác người có 3 đứa bé 9 tuổi, 7 tuổi và 14 tháng còn sống và sống đến ngày hôm nay.
mylai7Bà Nhiều và con gái của bà ngày ấy trốn ra cửa sau và men theo ruộng lúa may mắn chạy thoát, gia đình bà bị bắn chết 5 người. Bà nhìn thấy khá nhiều những thảm cảnh trong căn nhà của bà, trên 20 người từ ngã ba chạy vào nhà bà để trốn, kẻ xuống hầm, người nằm dưới giường, vài ba người núp sau bàn thờ, nhưng sau đó bị lính Mỹ lôi ra hết để bắn……
Và bao người còn sống sót ở Mỹ Lai ngày ấy cũng có những hoàn cảnh thật đáng thương tâm.
Bà Phạm thị Thuận cuộc sống neo đơn thiếu thốn, gia đình bà có 5 người bị lính Mỹ bắn chết trong vụ thảm sát ấy.
Chị Đỗ thị Tuyết hiện đang sinh sống ở Pleiku, chị và gia đình sáng 16.3.1968 bị lính Mỹ bắt ra tập trung ở đoạn mương ngay trước nhà cùng với rất nhiều bà con thôn Tư Cung, phần lớn là phụ nữ và trẻ em tổng cộng 170 người, lính Mỹ nã súng tàn sát, bắn giết gần hết số người ấy, người người ngã xuống máu nhuộm đỏ cả đoạn mương dài, chị sống sót nhờ xác người đè lên.
Ông Phạm Đạt đã phaỉ chứng kiến cảnh vợ bị bắn trọng thương, tay còn bế con gái nhỏ mới 7 tháng tuổi, lết từ trong nhà đang cháy ra ngoài sân, cố gắng lăn về phía cửa hầm trú ẩn, nhưng không còn kịp và bị lính Mỹ bắn chết, sau đó chất tranh lên trên và đốt cả 2 mẹ con.
Anh Phạm thành Công, còn sống sót do xác mẹ và các chị che chở, buổi sáng 16.03 ấy khi nghe tiếng pháo nổ, cả gia đình anh đều rút xuống hầm tránh pháo như mọi khi. Gia đình anh gồm 6 người Công, Mẹ và các chị, khi 2 tên lính Mỹ da trắng bước đến chĩa súng xuống hầm mẹ kéo cả đàn con lên trình diện một cách công khai thì 2 tên lính Mỹ dùng chân đạp ngược cả gia đình té nhào vào hầm và tung ngay lựu đạn xuống, cả gia đình tan xác, chỉ riêng Công bị thương nặng và thoát chết do thân thể mẹ và các chị che chở.
Cũng dưới cái mương ngập ngụa xác người và máu, Đỗ Ba tám tuổi còn cọ quậy được, Glenn Andreotta nhìn thấy và báo cho Hugh Thompson, phận may của Đỗ Ba còn Hugh Thompson hạ cánh và cứu cậu bé, đưa cậu vào bệnh viện Quảng Ngãi.
Bà Trương thị Lệ với 1 đứa con còn sống sót tại Tháp Canh, nhờ 2 xác chết đè lên bà, bà cùng con nằm yên giả chết.
Bà Hà thị Quí nay đã 83 tuổi, ngày ấy bà cũng bị lính Mỹ bắt tập trung ở mương kênh, nơi lính Mỹ giết 170 người vô tội, bà bị thương ở mông và nằm yên, xác chết cứ lần lượt ngã xuống và đè lên bà, sau khi bắn giết xong lính Mỹ bỏ đi, bà cố gắng bò về nhà, doc đường bà thấy nhiều cảnh tượng thật đau lòng, bầm gan tím ruột, rất nhiều xác phụ nữ, thanh nữ bị lính Mỹ cởi trần hảm hiếp và bắn chết, có vài người còn bị rọc cả cửa mình.
mylai8Chị Phạm thị Trinh, lúc đó 11 tuổi, khi dưới hầm chui lên, tận mắt chị còn nhìn thấy, chị Phạm thị Mười mới 14 tuổi bị một tên lính Mỹ hiếp dâm và sau đó bắn chết, bên cạnh hiên nhà, xác mẹ và đứa em chưa tròn 7 tháng bị lính Mỹ dùng rơm đốt cháy hơn nữa thân người.
mylai9Nhà ông Lệ, trong hầm có 15 người đang trú ẩn đều bị giết sạch.
Nhà chị Trinh, đứa con chị cháu Đức mới 8 tuổi từ trong hầm chạy ra liền bị lính Mỹ bắn chết, lúc miệng cháu còn ngậm đầy cơm.
Anh Trần tấn Huyên ở xóm Khê Thuận kể lại: “chỉ trong tích tắc, ông bà nội, cha mẹ và đứa em ruột của Anh đả bị lính Mỹ xả súng bắn gục, ngay trên mâm cơm“.

Than ôi, nỗi đau đến bao giờ mới nguôi? Sao lính Mỹ lại tàn ác dã man đến thế? Cấp trên của chúng tại sao tồi tệ vậy? 504 người dân vô tội, chứ đâu phải vài ba người nhỏ nhoi ít ỏi, họ làm gì nên tội mà phải tiêu diệt họ? Bao đứa trẻ sơ sinh lòm khòm bò trên vũng máu hoặc miệng đang còn ngậm vú mẹ, mà chúng vẫn kề sát đầu bắn cho tan xác. Hiếp dâm trẻ thơ, các chị, các bà, khi họ đang bị tan thương tột cùng, xác người thân ngổn ngang bên cạnh, sau đó giết họ không những bằng bao phát đạn mà đôi lúc dùng lưỡi lê để rọc thân thể họ…
mylai10Một cuộc thảm sát có tổ chức với mục đích“giết sạch đốt sạch phá sạch“, những kẻ thi hành mệnh lệnh chắc lúc họ hào hứng lắm? Càng giết người chúng càng say máu và mức độ càng tàn nhẫn hơn. “Binh lính bắt đầu nổi điên, họ xả súng vào đàn ông không mang vủ khí, đàn bà trẻ thơ và cả trẻ sơ sinh“.

Một nhóm lớn gồm 70 hoặc 80 dân làng nằm trong vòng vây của trung đội 1 ở trung tâm làng bị William L Calley đích thân giết hoặc ra lệnh cho cấp dưới giết, các binh sĩ của trung đội 2 đã giết ít nhất 60 đến 70 dân làng, bao gồm cả đàn ông, đàn bà và trẻ em, đơn vị này càn qua nửa phía bắc của thôn Mỹ Lai 4 và Bình Tây, cuộc càng quét đầu tiên của trung đội 1, 2 và 3 không gặp một sự kháng cự nào. Trung đội 3 cũng là đơn vị bao vây giết một nhóm khoảng 7 đến 12 thường dân gồm phụ nữ và trẻ em. Tiểu đoàn 4 thuộc Trung đoàn bộ binh số 3 bắt đầu chuyển hướng càn quét sang các xóm của thôn Mỹ khê 4 và giết ở đây khoảng 90 dân thường.Chưa đầy 4 tiếng đồng hồ lính Mỹ đã giết 504 người dân vô tội.
-182 phụ nữ (trong đó có 17 người đang mang thai).
-173 trẻ em ( trong đó có 56 em dưới 5 tháng tuổi).
-60 cụ già trên 60 tuổi.
-Ông Hương Thơ bị lính Mỹ bắn chết và ném xác xuống giếng nước.
-89 trung niên.
-có 24 gia đình bị giết sạch.
-247 căn nhà bị thiêu hủy.
-hàng ngàn trâu bò, gia súc bị giết.

…………..
mylai11

Tại sao đời sống lại hàm chứa những bất công tàn bạo thế? Tại sao niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của con người tạo dựng lên trên những nghịch lý không thể dung hòa. Vụ thảm sát Sơn Mỹ làm chấn động cả địa cầu, vậy mà bao nhân chứng sống sót ít ỏi vẫn bị lãng quên, 3 đứa con bà Chín Tẩu, hơn 33 năm rồi nhà chứng tích Sơn Mỹ được thành lập chưa lần nào được mời dự lể tưởng niệm, hoặc một lời hỏi thăm, tên mẹ chúng khắc sai trên bia trong đại sảnh nhà trưng bày, mới sửa lại tháng 6.2009 qua bao nhiêu lần khó khăn thiếu nại.
Phạm thị Trợ, 2 mẹ con bà Nhiều, Lê thị Em, Phạm thị Hiền, Bùi thị Hà, Bùi Sanh, cháu Ông Hương Thơ ….và rất nhiều nạn nhân còn sống sót chưa có một lời hỏi thăm dù qua gần 42 năm đằng đẵng dài, họ sống không quá 800 mét cách nhà chứng tích, họ đang sống vất vã neo đơn với những hệ lụy cuộc thảm sát, man rợ, những nấm mồ chôn chung 75 người tại Tháp Canh và số mồ mả của bao người dân vô tội rải rác ở xóm Thuận Yên, Tư Cung Cổ luỹ quanh năm thường nhang tàn khói lạnh, không ai chăm nom, nói nấm mồ đến mãi hôm nay thì đúng, chứ tối 16.3.1968 những người du kích và một số bà con từ Trường An xuống giúp đỡ, gôm tất cả 75 xác người và đặt xuống rảnh rau lang sau đó lắp đất lên, vì số du kích và bà con giúp chôn cất không nhiều, 504 xác người một số lượng quá lớn, hơn nữa một số xác chết riêng lẽ, trong nhà, trong vườn người ta còn phải tìm kiếm, cho nên phải chôn vội, lấp vội cho xong, vậy mà một vài ngày sau người ta vẫn còn thấy đâu đây trong đám bắp, huỳnh tinh hay mía vẫn còn sót vài xác người chưa chôn….

mylai12

Giặc Mỹ đã cướp đi của 3 chị em tôi, dường như tất cả cuộc sống tuổi thơ hồn nhiên, người mẹ kính yêu, người chị và đứa em hiền từ.quảng đời của 3 chị em tôi sau ngày thảm sát ấy thật gian lao cùng cực, về sống với bà Ngoại già yếu neo đơn, thiếu thốn đủ bề, đói khát, gian truân bên cạnh bị chính quyền ngụy tra hỏi và luôn gây khó khăn, vì liệt vào gia đình cộng sản cần phải theo dõi.Giặc Mỹ đã tạo cho 3 chị em chúng tôi một mảnh đời bất hạnh nhất trong những người còn sống sót ở Mỹ Lai.Công việc mưu sinh của 3 chị em chúng tôi hơn 20 năm có khác gì cuộc sống của những kẻ lỡ vận ăn xin, với cảnh màn trời chiếu đất.
….vì nhớ mẹ, đôi lúc muốn vào nhà chứng tích để xem hình mẹ, nhưng trong túi không có tiền mua vé vào cổng đành thôi.
Dần lớn lên tôi vào nhà chứng tích thường xuyên hơn, cứ mỗi lần về Tháp Canh thắp nhang cho Mồ mẹ chị Hồng và em Huệ, đã bao lần tôi khiếu nại với ban lãnh đạo nhà chứng tích về những thông tin sai về mẹ tôi cũng như tên tuổi trên bia, họ đón nhận tôi và những thông tin của tôi với thái độ, như một kẻ nhà giàu vô tâm, khó chịu, khi bị một tên ăn mày, rách rưới phá giấc ngủ trưa, để xin nắm cơm nguội canh thiêu cầm hơi đỡ đói.
Vì một vài lý do khách quan nên tôi viết những dòng hồi ký này, đôi lúc nó cũng là thông điệp đến tay một vài người trong số 130 lính Mỹ và những lảnh đạo của chúng Ernnest Medina, William Calley, Oran K Henderson, Samuel W Koster, Eugene kotouc…..mà 4 tiếng đồng hồ sáng 16.3.1968 đã từng xả súng sát hại 504 dân lành và gây nên bao thảm cảnh tan thương cho gia đình của họ, bao đứa trẻ mồ côi phải gánh chịu một cuộc đời bất hạnh, bao người già không còn nơi nương tựa, sự hệ lụy tàn khốc thương tâm……
Vậy mà gần 42 năm rồi họ vẫn lẩn tránh, chưa lần nào trở lại làng hồng Pinkville, họ vẩn lẩn tránh chính họ và những gì tan thương nhất mà họ đã gây ra… Nhưng chắc rằng họ sẽ phải nói với con cháu họ hiện đang ở trong quân đội, đừng bao giờ lập lại“vụ thảm sát Mỹ Lai “ở bất cứ nơi nào, trên quả đất thân yêu của chúng ta.

Các nhà Báo khi gởi phóng viên của mình về Mỹ Lai sưu tầm thông tin để viết Báo nên cố cho thêm tiền lộ phí, để phóng viên của mình cố gắng đi xa hơn, có thể trên 800 mét đến bao gia đình rất nghèo neo đơn mà cuộc đời và lính Mỹ ban cho họ sau ngày 16.3.1968, sau đó bạn sẽ thấy Pinkville không những toàn màu xanh của cuộc sống mới mà nó còn lốm đốm những chấm màu hồng, những cuộc đời bi thương hệ lụy.
Việt Nam và Quốc Tế, hàng ngàn, hàng triệu nhà báo, các đàn làm phim, thậm chí Pinkville và Oliver Stone cũng chỉ làm việc với ban lãnh đạo nhà chứng tích hoặc thông dịch viên, mà bao người đó họ có đồng cảm và đại diện cho chúng tôi đâu?… Bức tường nhà chứng tích không cao lắm, nhưng nó đủ ngăn cách 2 bề mặt của cuộc đời, đáng thương thay số phận nghiệt ngã và cuộc đời bất hạnh của bao con người còn sống sót….

Qua đây tôi xin cám ơn Ông Ronald Haeberle, ông đã chụp được tấm hình mẹ tôi bà Nguyễn thị Tẩu, cho dù dân Sơn Mỹ vẫn còn trăn trở rất nhiều về những tấm hình của ông, như 2 tấm hình của 4 đứa bé này, 2 đứa bé nào bị lính Mỹ bắn tan xác sau khi ông chụp hình? Tấm hình màu ông chụp 2 đứa bé nằm trên đường, có phải ông chụp từ trên trực thăng? Sau đó không lâu ông vẫn dùng máy này chụp hình bà Nguyễn thị Tẩu? (người đàn bà chết miệng còn ngậm chiếc nón lá ).

,
…thực tế không có bao tấm hình của ông, vụ thảm sát Sơn Mỹ sáng 16.3.1968 khó có thể làm sáng tỏ được, cho dù Hugh Thompson, Larry Colburn, Ron Ridenhour, Seymour Hersh và William R. Peers có cố gắng đến đâu, nhưng thiếu bao tấm hình tan thương kia thì chính phủ Mỹ vẩn không chấp nhận đó là vụ thảm sát “Massacre“.

Tôi Trần văn Đức nạn nhân còn sống sót ở Mỹ Lai sáng ngày 16.3.1968, xin đại diện cho một số bà con còn sống sót ở Mỹ Lai mà tôi được phép thay mặt, gởi tới ông lời cám ơn chân thành nhất, mãi mãi tri ân và xin chúc ông cùng gia đình dồi dào sức khỏe, vạn an…. Dân Mỹ Lai rất mong chờ ông!
Bao lời xin lỗi của các cựu chiến binh đại đội charlie tham gia vụ thảm sát Sơn Mỹ, trong đó có Kenneth Schiel, William Calley các người đâu nhìn thấy bao con người, bao mảnh đời, mà các người cần phải giúp họ, phải đền bù cho họ trước các lời xin lỗi, vì họ đang mang trọng bịnh, căn bịnh của sự hệ lụy tàn nhẫn, nếu không cứu, hoặc không kịp cứu thì họ sẽ không còn nghe được bao lời xin lỗi của các cựu chiến binh kế tiếp mà sáng 16.3.1968 đã xã súng bắn chết người thân của họ, đốt cháy nhà cửa làng mạc, huỷ diệt cuộc đời và quê hương thân yêu của họ.

– Bị chú: Sự việc từ năm 1959 đến 1966 Đức nghe Ngoại và các Dì kể lại

Germany-Remscheid 2009.
Trần Văn Đức
Email: DUCTRANVAN@t-online.de
———————————————————————————

==> Xem lại Phần 1

5 bình luận to “Mỹ Lai và những đứa trẻ mồ côi (phần 2)”

  1. ” Mỹ lai quê hương tôi
    Một màu xanh bát ngát
    Đồng lúa chín vàng thơm
    Ngập chim chiều …vang hót .”

    Lời quê hương thanh thót
    Niềm đau đã qua rồi
    Sao còn đắng bờ môi
    Bạn ơi ! hãy vui sống .

    Trên bầu trời chiếc mống
    Đẹp bảy sắc cầu vồng
    Gọi anh ,anh biết không
    Lời yêu thương tha thiết .

    Có đau ta mới biết
    Nỗi niềm của tha nhân
    Hãy sống với tinh thần
    Cảm ơn đời anh nhé .

    Hồng Phúc .

    Anh Đức ơi ! Hồng Phúc rất cảm ơn những lời chia sẻ của anh và mạo muội tiếp theo anh mấy vần thơ . Hồng Phúc xin gửi tặng anh Bài ” Cảm ơn đời” Mà HP cảm nhận trong cuộc sống .

    CẢM ƠN ĐỜI

    Ơn đời cho những niềm đau
    Để ta cảm nhận nỗi sầu thế nhân.
    Ơn người gieo những si sân
    Cho ta tìm bến tinh thần yêu thương .

    Làm người trong cõi vô thường
    Mấy ai chẳng vướng tai ương cuộc đời .
    Hãy vui đón nhận người ơi ..!
    Vô tư đi hết cuộc chơi thế trần .
    Hồng Phúc .
    Ngày mai là ” Ngày của Mẹ ” Hồng Phúc nhờ anh thắp dùm cho Em một nén hương kính viếng hương hồn MẸ TẨU và các MẸ đã ra đi trong trận SƠN MỸ anh nhé .
    Thân Chào .
    Hồng Phúc

  2. gửi Hồng Phúc
    thay lời tâm tình….
    +++++++++++++++

    Tiếng “Chú” ơi!

    Mỹ Lại quê hương tôi
    Hàng dừa xanh tít tắp
    Bờ biển đẹp mênh mang
    Tắm mình trong nắng ấm

    Cũng Mỹ Lại quê tôi
    Ngày xưa đau thương lắm
    Trẻ em không dám cười
    Mẹ già lắm lo âu
    Đàn con yêu tan tác

    Nhà tôi nuôi cộng sản
    Mấy chú thật hiền hòa
    Chiều chiều tôi gọi Chú!
    Cõng con- một đoạn dài

    Có hôm tôi rơi lệ
    Chú bị thương nặng quá
    Miên man, suốt mấy ngày
    Ba mẹ tôi lo chạy
    Thuốc thang và đào hầm
    Phòng thay khi bấc trắc…

    Và hôm nay tôi gọi chú
    Bận quá Chú làm ngơ
    Vết thương xưa đã lành
    Chú phòng đời bất trắc …

    Mỹ Lại quê hương tôi
    Hàng dừa xanh tít tắp
    Mặt nước lặng sông Kinh
    Đượm buồn chiều –không chảy

    Quê hương tôi nắng cháy
    Bà con nghèo thân thương
    Trẻ em cười – Sơn Mỹ
    Chia nhau cái Càng Còng

    Và hôm nay trở lại
    Tôi vẫn về Sơn Mỹ
    Lạc trong đoàn du khách
    Nhìn cảnh xưa chạnh lòng
    Tôi rùng mình đứng lặng
    Ngày xưa tôi gọi “Chú”
    Thân thương như người nhà

    Mỹ Lại quê hương tôi
    Một màu xanh bát ngát
    Đồng lúa chín Vàng thơm
    ngập chim chiều…vang hót.

    Chiều 16.01.2010
    Remscheid Germany

  3. Người ơi những nỗi xót xa
    In vào tâm trí dân Nhà Việt Nam .
    Bóng hình Mẹ Tẩu bao năm ..
    Hồi chuông oan nghiệt gọi tâm bao người .

    Nỗi đau còn để lại đời .

    Hồng Phúc Xin chia sẻ nỗi đau cùng Ba chị em nhà Anh Đức và bà con Mỹ Lai .
    Chào anh .
    Hồng Phúc

  4. Anh Nguyễn Ngọc Hưng !rất cám ơn anh đã đọc bài của Trần Văn Đức và để lại tâm tình…vết thương lên sẹo của em đã kéo da từ lâu,nhưng vết thương lòng đang nhức nhói trở lại thật đau xót và chua chát thay,khi em cố tìm sự cân đối tối thiểu để tồn tại mà sao quá gian nan qua bao con nguời vô cảm đồng loại….

  5. Nguyễn Ngọc Hưng said

    Đức ơi, đau thương quá! Mình đọc 2 bài viết của Đức mà cứ dân dấn, nghèn nghẹn…
    Chắc hẳn Đức đã trải qua không ít những tháng ngày vất vả, xác xơ. Thời gian sẽ là liều thuốc giúp con người chữa lành mọi vết thương, dù đó là những vết thương khó lên sẹo nhất. Mình tin vậy và mong rằng Đức cũng tin vậy! Ít ra là để tìm lại sự cân bằng tối thiểu cho đời sống tâm linh của chính mình.
    Mong hội ngộ Đức vào tháng 7 này để trò chuyện nhiều hơn. Chúc Đức cùng đại gia đình luôn khỏe vui, bình an, hạnh phúc! Thân mến, NNH.

Gửi phản hồi cho hongphucdcn Hủy trả lời